Truy cập nội dung luôn

  HÀ NỘI ĐẸP

Nét đẹp văn hóa của việc thực hiện chữ “Công” trong Tứ đức của phụ nữ Hà thành xưa và nay
07/12/2016 | 2:31 PM

Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến không chỉ là một trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội mà còn là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Sống trên vùng đất hội tụ tinh hoa đất trời, người Hà Thành mang trong mình những nét đẹp riêng.

Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến không chỉ là một trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội mà còn là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Sống trên vùng đất hội tụ tinh hoa đất trời, người Hà Thành mang trong mình những nét đẹp riêng.

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Người phụ nữ Hà Thành, sống trong môi trường văn hóa ấy vừa mang vẻ đẹp chung của người phụ nữ Việt, vừa mang những nét đặc trưng riêng khác của chốn kinh kỳ đô hội. Chữ Công là nhân tố đầu tiên, quan trọng nhất, tác động lớn tới các yếu tố còn lại trong Tứ đức. Chữ Công trong cuộc sống của người phụ nữ Hà Thành - xưa và nay có hoàn toàn trùng khớp nhau về nội dung và hình thức biểu hiện?

Vẻ đẹp của thiếu nữ Hà thành xưa. Ảnh: Internet
 

Ngược dòng lịch sử, với địa thế “rồng quấn, hổ ngồi”, vùng đất Thăng Long - Hà Nội được lựa chọn là nơi định đô của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Với xuất thân chủ yếu trong các gia đình quan lại, nho sĩ chốn kinh thành phồn hoa, trải qua thăng trầm lịch sử, phụ nữ Hà Thành là những người chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo trong xã hội Việt Nam truyền thống.

Chữ Công, theo quan niệm trong học thuyết Nho giáo, là một yếu tố trong Tứ đức (Công, dung, ngôn, hạnh). Trong đó, Công được hiểu là vai trò, chức năng của người phụ nữ trong gia đình, gần gũi hơn là nữ công gia chánh. Sống trong những nề nếp rất nghiêm ngặt của lễ giáo Nho gia, phụ nữ Hà Thành gặp phải không ít sự thiệt thòi, phân biệt với các đấng mày râu. Tuy nhiên, theo nhận định của giáo sư Từ Chi, từ rất lâu, người phụ nữ (người vợ, người mẹ) có một vai trò rất “oái oăm” trong gia đình Việt - cái gia đình phụ hệ có nhiều bất công với phụ nữ. Phụ nữ Hà Thành nổi bật trong vai trò quản lý tài sản và tiền bạc, lo toan mọi sự chi tiêu, hay chính là vai trò quản lý kinh tế gia đình.

Về với mảnh đất kinh kỳ những thế kỷ XVII, XVIII, XIX, chúng ta bắt gặp hình ảnh phụ nữ Hà Thành trong vai trò tạo nên diện mạo khu vực “thị” của Thăng Long - Hà Nội. William Dampier trong cuốn sách Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688 đã cho biết sự sắc sảo, giỏi giang của phụ nữ Đàng Ngoài nói chung và phụ nữ Hà Thành nói riêng trong buôn bán: “Nhiều thương nhân ngoại quốc đã kiếm được bội  tiền bằng cách giao cho những bà vợ Đàng Ngoài tiền và hàng hóa”. Đặc biệt, phụ nữ Thăng Long - Kẻ Chợ rất khéo léo trong nghề đổi tiền lúc đó. Vậy là, họ không chỉ lao động cần cù mà còn năng động và giỏi kinh doanh.

Trong bối cảnh tiếp xúc văn hóa Đông Tây nửa đầu thế kỷ XX, phụ nữ Hà Thành có những chuyển biến tích cực không chỉ trong nhận thức mà cả trong hành động thực tế. Tư tưởng dân chủ tư sản, nhất là tư tưởng về nữ quyền được truyền bá vào Việt Nam đã làm đảo lộn nhận thức về vai trò và địa vị của người phụ nữ trong xã hội.

Chính từ đây, phụ nữ Hà Thành, trước hết là nắm lấy cơ hội giáo dục để thay đổi nhận thức về vai trò và địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội, bày tỏ nguyện vọng của giới mình. Khi tham gia vào học tập, phụ nữ Hà Thành khẳng định được năng lực của mình. Cũng chính họ đã tham gia viết những trang báo về phụ nữ, khẳng định quyền tự do cá nhân, mạnh dạn lên tiếng bảo vệ nhu cầu làm đẹp, tham gia hoạt động thể dục, thể thao,… hay là một sự cách tân - một bước tiến lớn của phụ nữ Hà Thành nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.

Trong cuộc sống đương đại, vai trò trong gia đình của phụ nữ Hà Thành vẫn được thể hiện rất rõ nét, trước hết trong vấn đề giáo dục con cái. Từ bao đời, trong giáo dục con cái, vai trò của người phụ nữ luôn được đề cao. Người mẹ đất Hà Thành, với nét thùy mị, nết na, mềm mỏng chính là “đầu cơ ngọn sóng” dạy cho những đứa con của mình từ cách giao tiếp đến ý tứ, cử chỉ, bước đi, dạy con cách ứng xử với đời, cách thích nghi với cuộc sống. Theo đó, phẩm chất của người mẹ chính là tấm gương cho con cái học tập và noi theo. Nếu trước đây người phụ nữ gắn bó gần như hoàn toàn với gia đình và thiên chức giáo dục con cái, thì ngày nay, dù bận rộn với công việc ngoài xã hội, họ vẫn dành một thời gian nhất định để chăm sóc gia đình và con cái.

Thêm vào đó, phụ nữ Hà Thành xưa được coi như sứ giả của văn hóa ẩm thực. Hầu hết trong số họ ý thức được rằng “cơm dẻo canh ngọt” chính là yếu tố “cần và đủ” để giữ lửa cho tổ ấm. Những món ăn ngon như: Phở Hà Nội, cốm làng Vòng, chả cá Lã Vọng, bún Thanh Trì,… hầu hết đều được tạo ra từ bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị. Họ gửi gắm tình cảm cho chồng, cho con qua những món ăn thường ngày. Đặc biệt, mỗi dịp nhà có giỗ, Tết, mâm cỗ cúng thật nhiều màu sắc với xôi gấc, bánh chưng, canh măng móng giò, với bát canh bóng, giò xào, giò lụa, thịt đông,… đủ màu sắc, ẩn chứa cả tấm lòng của người mẹ, người vợ.

Mâm cơm ngày tết của phụ nữ Hà Thành. Ảnh: Diệu Linh
 

Khi cuộc sống đòi hỏi nhiều hơn ở phụ nữ thời gian cho công việc xã hội, chưa bàn tới chuyện họ có còn nấu ăn ngon nữa hay không, phần đông phụ nữ Hà Thành vẫn là người chịu trách nhiệm chính trong ẩm thực mỗi độ giỗ, Tết. Vậy là, vai trò - chức năng vốn có của người phụ nữ về ẩm thực trong gia đình không hề mất đi, nó chỉ đang chuyển mình cho phù hợp với điều kiện mới của nhịp sống xã hội. Tinh tế trong ẩm thực vẫn luôn là “nét duyên thầm” của phụ nữ Hà Thành.

Điều làm nên sự khác biệt nhất cho người phụ nữ trong xã hội đương đại khi đặt trong mối tương quan với xã hội phong kiến có lẽ là địa vị xã hội của người phụ nữ. Trước đây, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã gò ép người phụ nữ trong gia đình nhỏ, với thiên chức căn bản là chăm sóc cho bố mẹ chồng, cho chồng, và cho con để giữ hạnh phúc gia đình. Ngày nay, phụ nữ Việt nói chung và phụ nữ Hà Thành nói riêng ý thức được năng lực của mình, kết quả là, không ít người đã có địa vị cao trong xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, hầu hết họ vẫn ý thức được hạnh phúc thực sự của mình là gia đình.

Người ta thường nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Tìm về với cội nguồn lịch sử, từ rất lâu, phụ nữ Hà Thành đã phản ánh vai trò tiềm ẩn nhưng tất yếu của họ trong gia đình. Trải qua bước thăng trầm của thời gian, phụ nữ Hà thành đã và đang vượt qua cái “khuôn mẫu chung” của định kiến xã hội để tự khẳng định giá trị của bản thân, tự do phát triển tài năng bên cạnh khát vọng sống hạnh phúc trong hôn nhân. Chữ Công trong “Công, dung, ngôn, hạnh” đã biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội theo những hệ giá trị khác nhau, không còn đủ sức là sợi dây trói buộc người phụ nữ hiện đại.

Cũng cần nói thêm rằng, bên cạnh mặt tích cực, trên thực tế, sự biến đổi về vai trò của phụ nữ còn đưa tới một số hiện tượng tiêu cực như: Vượt quyền chồng, “khoán trắng” việc nhà cho chồng,... dẫn tới rạn nứt, mâu thuẫn trong gia đình, nhất là các gia đình ở thành thị. Thiết nghĩ, trong xã hội hiện đại, bản thân mỗi người phụ nữ cần ý thức được thiên chức làm vợ, làm mẹ, ý thức được giá trị và ý nghĩa của chữ Công cao quý trong Tứ đức.

Hoàng Linh

  Hà nội xanh

  Hà Nội sạch

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh