Truy cập nội dung luôn

  HÀ NỘI ĐẸP

Xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2018: Khó khăn dồn ở chặng cuối
29/12/2018 | 8:28 PM

Theo báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018 của UBND TP Hà Nội, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong 8 chỉ tiêu dự kiến sẽ vượt kế hoạch năm. Theo đó, số trường công lập đạt chuẩn tăng thêm, ước đạt 90 trường, trong khi kế hoạch trước đó là 80 trường.

Theo báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018 của UBND TP Hà Nội, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong 8 chỉ tiêu dự kiến sẽ vượt kế hoạch năm. Theo đó, số trường công lập đạt chuẩn tăng thêm, ước đạt 90 trường, trong khi kế hoạch trước đó là 80 trường. 
Điều này thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh, nhưng bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức bởi khó khăn đều dồn về chặng cuối.

Khó khăn chung khi xây dựng trường chuẩn quốc gia là giải bài toán quá tải sĩ số học sinh
 

Gỡ bài toán quá tải

Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) là một trong số những trường vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt quyết định công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2018 với thời hạn 5 năm. Đây là đơn vị đầu tiên trong kế hoạch năm 2018 của quận Hai Bà Trưng được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Cũng giống như nhiều đơn vị khác, khó khăn lớn nhất của trường khi xây dựng theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia là quy mô học sinh ngày càng lớn, dẫn đến quá tải trường, lớp học. 

Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc tăng cường đầu tư xây dựng, mua sắm, cải tạo cơ sở vật chất, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng đã kiên trì điều chỉnh tuyến tuyển sinh tại các phường cho phù hợp, vừa bảo đảm để học sinh không phải đi học quá xa, vừa không để tình trạng trường học bị “phình” quá mức về quy mô, hướng tới xây dựng trường học theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố là 63,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự chênh lệch khá rõ ở các địa bàn. Trong khi các quận như Bắc Từ Liêm, Long Biên, Nam Từ Liêm có tỷ lệ trường chuẩn ở mức trên 90%, thì vẫn còn nhiều đơn vị có tỷ lệ thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn thành phố như Mỹ Đức, Đống Đa, Ba Đình, Đông Anh, Sóc Sơn, Hoàng Mai… Để đạt mục tiêu có 70% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020, TP Hà Nội đã có kế hoạch đầu tư, xây dựng trường chuẩn với những giải pháp phù hợp điều kiện thực tế…

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, thực tế khảo sát cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhất là đối với việc tăng cường đầu tư mở rộng trường lớp để giải quyết bài toán quá tải.

 Song quan điểm của TP Hà Nội là không vì để đạt chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia mà bỏ qua tiêu chí về sĩ số học sinh. Điều kiện bắt buộc đối với tất cả các nhà trường khi làm hồ sơ đề xuất công nhận đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội là phải bảo đảm quy định về sĩ số học sinh, trong đó cấp tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp; với cấp THCS và THPT là không quá 45 học sinh/lớp.

Quyết tâm nhân đô.

Tính đến ngày 30-11-2018, có 42 trường trong số 80 trường trong kế hoạch đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2018 của TP Hà Nội đã được thẩm định công nhận đạt chuẩn, đạt 52,5%. Tuy nhiên, căn cứ theo tình hình thực tế, các quận, huyện, thị xã đã đăng ký và quyết tâm hoàn thành xây dựng tăng lên 90 trường chuẩn trong năm 2018. 

Ông Nguyễn Viết Cẩn cho biết, nếu cứ theo tiến độ này, mục tiêu để có 70% số trường học công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020 của TP Hà Nội ngày càng ngắn lại. Để đạt mục tiêu này, các đơn vị đang phải đối mặt với không ít thách thức, bởi khó khăn đều dồn ở chặng cuối. 

Trong khi đó, một trong những tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới là địa phương phải có tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn ở mức từ 60% trở lên. Qua rà soát, Hà Nội còn 8 huyện có tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia thấp dưới 60%. Đặc biệt, huyện Quốc Oai có 4 trường THPT nhưng chưa có trường nào đạt chuẩn; huyện Mê Linh có 1/6 trường THPT đạt chuẩn; Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thạch Thất - mỗi huyện đều có 4 trường THPT nhưng mới chỉ có 1 trường đạt chuẩn. 

Huyện Phú Xuyên hiện là đơn vị có tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia thấp nhất thành phố với 35,2%. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Công Thành, năm nay huyện đăng ký xây dựng hai trường THPT đạt chuẩn là Phú Xuyên A và Đồng Quan. Nếu hai trường này được công nhận thì huyện mới đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với huyện là thiếu nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất trường, lớp, vì vậy rất cần sự hỗ trợ của thành phố. 
Thực tế ấy đòi hỏi công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia phải được quan tâm, đầu tư ở mức cao nhất để vừa bảo đảm môi trường học tập tốt nhất cho học sinh, vừa đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường THPT đạt chuẩn, không làm ảnh hưởng đến kết quả xây dựng nông thôn mới.

Phương án đã được Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất UBND TP Hà Nội chỉ đạo gấp rút triển khai trong giai đoạn này là tăng cường đầu tư kinh phí cho các trường THPT, ưu tiên cho những trường ở khu vực khó khăn…

“Trong những ngày cuối của năm 2018, các đoàn kiểm tra, thẩm định trường chuẩn sẽ làm việc hết công suất để “chấm điểm” các nhà trường. Tuy nhiên, TP Hà Nội vẫn kiên trì quan điểm thực chất trong đánh giá, không vì để đẩy nhanh tiến độ mà việc kiểm tra, thẩm định qua loa, đại khái hoặc cho các trường nợ bất kỳ một tiêu chí nào”, ông Nguyễn Viết Cẩn khẳng định.

Thống Nhất /Hà Nội mới

  Hà nội xanh

  Hà Nội sạch

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh