Truy cập nội dung luôn

  Hà nội xanh

Giữ "lá phổi xanh" cho đô thị
07/09/2016 | 1:28 PM

Ao hồ luôn có vị trí quan trọng đối với đời sống đô thị. Không chỉ có vai trò điều hòa không khí, tạo cảnh quan đô thị, ao, hồ còn là "điểm đến" ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, ao hồ ở Hà Nội đang bị ô nhiễm, bị thu hẹp diện tích. Những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực từ kè hồ, làm đường dạo quanh hồ, đến cải thiện chất lượng nước... nhưng để những "lá phổi" thật sự xanh trong lòng thành phố, còn rất nhiều việc phải làm.

Ao hồ luôn có vị trí quan trọng đối với đời sống đô thị. Không chỉ có vai trò điều hòa không khí, tạo cảnh quan đô thị, ao, hồ còn là "điểm đến" ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, ao hồ ở Hà Nội đang bị ô nhiễm, bị thu hẹp diện tích. Những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực từ kè hồ, làm đường dạo quanh hồ, đến cải thiện chất lượng nước... nhưng để những "lá phổi" thật sự xanh trong lòng thành phố, còn rất nhiều việc phải làm.

Hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa) sau khi được cải tạo. Ảnh: Anh Tuấn
 

 

Những "lá phổi nám"...

Theo thống kê, tính từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn và 7 hồ mới được bổ sung. Năm 2015 Hà Nội còn 112 hồ, giảm 10 hồ so với năm 2010, diện tích mặt nước bị giảm 72.540m2. Quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất khu vực nội thành (hơn 30 hồ) nhưng chỉ trong 5 năm (2010-2015) đã mất đi 4 hồ, ao. Trong thời gian này, diện tích mặt hồ cũng mất gần 15.000m2. Nguyên nhân chủ yếu là do bị san lấp, lấn chiếm như hồ Linh Quang, ao Phủ, hoặc nằm trong vùng quy hoạch dự án như ao Hào Nam. Các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy cũng trong tình trạng tương tự. Quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) trong giai đoạn này diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Riêng hồ Tây, trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè (năm 2010) chỉ còn 460ha... 

Cùng với diện tích bị thu hẹp, chất lượng nước ở các ao, hồ hiện nay cũng là vấn đề. Mặc dù thời gian qua Hà Nội đã đầu tư cải tạo, xử lý kỹ thuật nhiều ao, hồ trên địa bàn..., nhưng đến nay vẫn còn gần 10% số ao, hồ có dấu hiệu ô nhiễm và ô nhiễm nặng. Có thể kể đến là hồ Văn Chương trên địa bàn giáp ranh, thuộc quyền quản lý của 3 phường Văn Chương, Thổ Quan và Hàng Bột (quận Đống Đa). Hồ bị ô nhiễm từ nhiều năm qua, nước màu xanh đen, mùi nồng nặc... Cách hồ Văn Chương không xa, hồ Linh Quang cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đáng nói hơn, trước đây hồ rộng khoảng 2ha, nay chỉ như ao nhỏ. Năm 2004, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án cải tạo hồ Linh Quang với mức đầu tư 131 tỷ đồng, nhưng đến nay dự án này vẫn... "treo" vì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Hồ Ba Mẫu (phường Phương Liên, quận Đống Đa) được sử dụng để tạo cảnh quan và điều hòa nước trong khu vực, nhưng cũng không thoát khỏi tình trạng ô nhiễm...

Theo một thống kê, năm 1995, khu vực nội thành Hà Nội còn tới 2.100ha mặt nước, nhưng đến nay chỉ còn 1.165ha. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Ở các khu vực mới phát triển là Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng chóng mặt kéo theo đó là nhiều ao hồ bị lấp. Còn ở góc độ khác, ông Đỗ Hùng Vương, Phó Trưởng ban Quản lý hồ Tây cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm đáng kể về diện tích mặt hồ là sự yếu kém, buông lỏng của chính quyền sở tại...

Hồ Thiền Quang ngày càng sạch đẹp hơn. Ảnh: Bá Hoạt
 

... và câu chuyện của cộng đồng

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường vừa diễn ra, đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Từ đầu năm 2016 đến nay, Hà Nội đã khởi công dự án cải tạo 6 hồ, công viên phục vụ thoát nước của thành phố. Dự kiến tháng 10-2016, thành phố sẽ khởi công dự án nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tại hồ Tây, từ 90.000m3/ngày-đêm lên 190.000m3/ngày-đêm. Hà Nội đã hợp tác với CHLB Đức nghiên cứu xử lý ô nhiễm ao, hồ trên địa bàn bằng công nghệ mới; phấn đấu đến quý IV-2016 sẽ hoàn thành xử lý các ao, hồ trên toàn thành phố... 

Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thời gian qua thành phố đã thử nghiệm xử lý ô nhiễm tại các hồ bằng nhiều công nghệ khác nhau và đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Biện pháp chủ yếu để xử lý ô nhiễm nước hồ là sử dụng các chế phẩm vi sinh làm giảm chỉ số ô nhiễm, hoặc kết hợp với các bè nuôi thực vật thủy sinh như lục bình, thủy trúc... để cải thiện chất lượng nước. Nhiều hồ sau khi được cải tạo, nguồn nước có dấu hiệu phục hồi...

Tuy nhiên, để gìn giữ và bảo vệ "lá phổi" của Hà Nội, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Câu lạc bộ hồ Hà Nội cho rằng: Thành phố cần nghiên cứu để xử lý tập trung nước thải sinh hoạt hằng ngày của người dân rồi mới đưa ra môi trường. Một vấn đề nữa là Hà Nội cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ hồ. Những mô hình quản lý hồ hiệu quả của phong trào "Xanh - sạch - đẹp" ở hồ Đền Lừ, do Hội Phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ đảm nhận, hay sự chung tay góp sức của người dân hai phường Ô Chợ Dừa, Trung Liệt (quận Đống Đa) giúp "hồi sinh" hồ Đống Đa... cần được nhân rộng. Điều này không chỉ giúp Hà Nội ngày một xanh hơn, sạch hơn mà còn có lợi cho chính người dân sống tại đây khi có được một môi trường thoáng mát, không bị ô nhiễm.

Với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự tham gia của người dân, chắc chắn ao, hồ trên địa bàn Thủ đô sẽ trở nên xanh trong, không chỉ có chức năng điều hòa nước, mà còn là "lá phổi" cho đô thị, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

 Theo Thanh Hải/Hà Nội mới

  Hà Nội sạch

  Hà nội đẹp

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh