Truy cập nội dung luôn

  VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

"Tái sinh" sông Kim Ngưu theo cách nào?
31/08/2018 | 5:28 PM

Cùng với chủ trương nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, giảm ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường cho các dòng sông và hồ nước trong nội thành của UBND TP Hà Nội; ý tưởng cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị, biến sông Kim Ngưu thành không gian đô thị hấp dẫn về văn hóa, giải trí đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Vậy, có cách nào để "tái sinh" dòng sông này?

Cùng với chủ trương nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, giảm ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường cho các dòng sông và hồ nước trong nội thành của UBND TP Hà Nội; ý tưởng cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị, biến sông Kim Ngưu thành không gian đô thị hấp dẫn về văn hóa, giải trí đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Vậy, có cách nào để "tái sinh" dòng sông này?

Sông Kim Ngưu ô nhiễm vì nước thải sinh hoạt.
 

Khu vực sông Kim Ngưu thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng - nơi tập trung nhiều khu dân cư đông đúc, đã và đang chịu ảnh hưởng lớn từ sự quá tải hạ tầng, ô nhiễm trầm trọng về nước và không khí. Thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại sông Kim Ngưu đã diễn ra từ hàng chục năm nay. Cùng với Dự án thoát nước thành phố, sông Kim Ngưu đã được kè hai bên bờ và thường xuyên cải tạo, nạo vét, nhưng chủ yếu vẫn là bảo đảm yếu tố thoát nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là nước và không khí vẫn tồn tại do nước thải từ các khu dân cư xung quanh đổ thẳng xuống sông, không qua xử lý...
Mới đây, Công ty R&D Planners vừa đề xuất phương án “tái sinh” sông Kim Ngưu, tạo ra một không gian đô thị hấp dẫn cho khu vực này. Thạc sĩ, kiến trúc sư Trần Tuấn Anh (Công ty R&D Planners) cho biết: Phương án chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu được xây dựng trong bối cảnh dòng sông này đang phải hứng chịu một lượng nước thải không nhỏ từ các hộ dân sống xung quanh. Cùng đó là lượng nước thải lớn từ các tuyến đường Lò Đúc, Trần Khát Chân xả thẳng, không qua xử lý. Theo khảo sát, cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông.
Với phương án của R&D Planners, việc cải tạo môi trường sông Kim Ngưu sẽ được thực hiện trên diện tích 42.000m2, chiều dài 1,2km từ ngã tư phố Lò Đúc, Trần Khát Chân tới cầu Mai Động. Các giải pháp thực hiện bao gồm: Tách toàn bộ hệ thống thu nước thải sinh hoạt từ các hộ dân vào đường ống thoát nước thải riêng biệt; Đấu nối hệ thống thoát nước khu vực với hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở bảo đảm tiêu chuẩn xả ra môi trường; Cải tạo, chỉnh trang môi trường đô thị dọc theo sông Kim Ngưu với chiều dài khoảng 1,2km. Cùng với đó là hình thành các công trình tiện ích về thương mại dịch vụ, các hoạt động công cộng, văn hóa, thể thao, giải trí cho người dân đô thị, tạo nên không gian đô thị hấp dẫn. Các công trình dự kiến được xây dựng là: Quảng trường, đài phun nước, hai bãi đỗ xe thông minh 5 tầng, khu vực thương mại dịch vụ, tuyến phố đi bộ...
Ý tưởng cải tạo môi trường sông Kim Ngưu đã nhận được sự đồng tình của nhiều nhà khoa học, chuyên gia quy hoạch, môi trường. Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: “Đề xuất này sẽ giúp cải thiện môi trường cho người dân xung quanh, làm sống lại dòng sông cũng như tạo ra khu vực vui chơi, thương mại, dịch vụ”.
Song, theo PGS.TS Phạm Đức Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, dự án cần được nghiên cứu triển khai trên toàn bộ tuyến sông, đoạn từ Lò Đúc - Trần Khát Chân ra Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (3km), chứ không nên chỉ thực hiện cải tạo trên 1,2km đầu nguồn. Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, việc cải tạo môi trường sông Kim Ngưu là cần thiết song mục tiêu cuối cùng vẫn là giữ mặt nước.
“Khi nhà đầu tư tiến hành chỉnh trang, thiết kế lại hai bên bờ sông thì không nên xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ dày quá, làm mất đi không gian và diện tích mặt nước. Nếu TP Hà Nội chấp thuận cho đề án này triển khai, thì có thể bố trí một phần đất ở khu vực khác cho nhà đầu tư kinh doanh. Nếu đề án này thiết thực thì sẽ có thể lấy đó làm mô hình, để chỉnh trang lại cho các dòng sông khác cũng đang bị ô nhiễm nặng của Thủ đô” - PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) góp ý.
Tuy mới chỉ là ý tưởng đề xuất nhưng tia hy vọng cho một dòng sông Kim Ngưu xanh - sạch - đẹp là điều được dư luận quan tâm. Mong rằng các nhà quản lý, nhà khoa học sẽ đúc rút từ những dự án cải tạo sông Tô Lịch, "cống hóa" một số đoạn sông nội đô, để từ đó có phương án tốt nhất cho sông Kim Ngưu vào một ngày không xa.

Dạ Khánh/Hà Nội Mới

  Chuyên mục

  Hà nội xanh

  Hà nội đẹp

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh