Quận Bắc Từ Liêm tạo ấn tượng tốt đẹp dịp seagames 31

Chăm lo cho trẻ bằng cả tâm sức của cộng đồng
Ngày đăng 30/09/2019 | 6:09 PM  | View count: 64

Những năm qua, thiết chế văn hóa ở vùng nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục được đầu tư theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng thực tế vẫn còn không ít bất cập, đặc biệt là vấn đề thiết chế văn hóa cho trẻ em khu vực này. Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trò chuyện với bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Những năm qua, thiết chế văn hóa ở vùng nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục được đầu tư theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng thực tế vẫn còn không ít bất cập, đặc biệt là vấn đề thiết chế văn hóa cho trẻ em khu vực này. Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trò chuyện với bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xung quanh vấn đề này.

- Những năm qua, thành phố đã rất chú trọng đến việc xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là tăng tốc độ đầu tư ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, nói riêng về các thiết chế văn hóa dành cho trẻ em ở vùng nông thôn thì...?

- Có thể nói, hệ thống các thiết chế văn hóa ở các địa phương trên địa bàn Thủ đô những năm qua tiếp tục được đầu tư theo hướng mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó có khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, đúng là chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở vùng nông thôn vẫn còn bất cập. Nói riêng về thiết chế văn hóa dành cho trẻ em ở vùng nông thôn thì cũng thực sự là một vấn đề lớn, cần bàn thảo kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ để giải quyết tốt hơn trong thời gian tới.

Thực tế, thiết chế văn hóa dành cho trẻ em nông thôn chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng công trình văn hóa dành riêng cho trẻ em ở khu vực này mới chỉ có rất ít, nếu có thì chủ yếu là do tư nhân đầu tư nhưng còn hiếm và chất lượng chưa được kiểm định...

Đặc biệt, ngoài thiếu thốn về cơ sở vật chất, một vấn đề quan trọng khác là các địa phương chưa hình thành được đội ngũ làm công tác văn hóa chuyên sâu về đối tượng trẻ em. Nhìn chung, các thiết chế văn hóa ở nông thôn hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi đa dạng của trẻ.

Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tham mưu cho UBND thành phố, bên cạnh vấn đề quy hoạch, cần có quy định, tiêu chí cho các điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em; xây dựng cơ chế sử dụng, quản lý thiết chế văn hóa, điểm vui chơi cho trẻ em một cách phù hợp, hiệu quả, đồng thời kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vui chơi đảm bảo an toàn cho trẻ.

- Ngoài các nguyên nhân thuộc về các địa phương, cũng nên nói về trách nhiệm của các cấp trên cơ sở, của ngành chức năng?

- Quả như vậy, điều đó đã được đánh giá nghiêm túc, nhất là vai trò của các ban, ngành ở cấp huyện. Ban chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em làm công tác điều hành, chỉ đạo xuyên suốt các chương trình công tác liên quan đến việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, vì thế cũng có vai trò quyết định đến hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa.

Trong tỷ lệ ngân sách và số tiền xã hội hóa cho công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tới đây cũng nên cụ thể hóa phần dành cho hoạt động của các thiết chế văn hóa cho trẻ em nông thôn. Có như vậy, công tác này mới có thể có được những chuyển biến rõ rệt hơn.

- Như vậy là đã khá rõ những vấn đề chính yếu, phần quan trọng là giải pháp để tháo gỡ vướng mắc và hướng tới thực hiện mục tiêu đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em. Theo bà, cần chú ý đến những vấn đề gì?

- Có ba vấn đề chủ yếu. Thứ nhất, rà soát, thống kê các hạng mục, công trình văn hóa đã có; đánh giá chất lượng, tần suất khai thác... Từ đó, các địa phương làm tốt hơn công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng; kết hợp với ngành Văn hóa để tạo ra không gian hoạt động vui chơi thiết thực cho trẻ em.

Thứ hai, tổ chức tốt việc xây dựng đội ngũ vận hành các hạng mục, công trình văn hóa đó, bao gồm cả quản lý, bảo vệ, duy tu, chuẩn bị nội dung, phương thức hoạt động và đánh giá hiệu quả.

Thứ ba, đánh giá cụ thể về khả năng tiếp cận của trẻ em nông thôn đối với các công trình văn hóa, vui chơi, giải trí... trước đây, hiện nay và sắp tới.

Thực tế cho thấy, có những công việc không thể xếp thứ tự mà cần phải tiến hành đồng thời. Chẳng hạn, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện dần các công trình văn hóa thì phải chăm lo đào tạo đội ngũ vận hành các công trình đó.  

- Để phát triển, hoàn thiện thiết chế văn hóa dành cho trẻ em nông thôn, chúng ta cần bám sát những chương trình, kế hoạch công tác nào?

- Quyết định 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có quy định các xã phải bảo đảm có thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, trong đó phục vụ trẻ em.

Trong Quy hoạch thiết chế văn hóa dành cho trẻ em năm 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có đề xuất kinh phí hoạt động cho các thiết chế văn hóa. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022 đã thông qua chỉ tiêu xây dựng mới tại mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất 1 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi...

Thành phố Hà Nội đã có Quy hoạch phát triển văn hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố về chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô...

Năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo Chương trình 04, Sở Văn hóa - Thể thao đã tham mưu xây dựng “Hướng dẫn công tác tổ chức, quản lý hoạt động cho nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố”.

Theo kế hoạch, năm 2019 sẽ xây dựng, hoàn thiện 36 nhà văn hóa thôn; năm 2020 sẽ xây dựng, hoàn thiện thêm 46 công trình...

Với những văn bản pháp quy được triển khai thống nhất, đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành hữu quan, tôi tin rằng hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em sẽ tiếp tục được nâng cao.

Cùng với đó, cộng đồng phải nhận thức đầy đủ về quyền được vui chơi giải trí của trẻ em, dồn hết tâm sức tạo điều kiện cho trẻ em nông thôn tiếp cận các công trình văn hóa, vui chơi, giải trí, để trẻ được phát triển toàn diện.

Thùy Liên /Hà Nội mới