Quận Bắc Từ Liêm tạo ấn tượng tốt đẹp dịp seagames 31

Vì những tuyến đường xanh an toàn
Publish date 08/06/2021 | 6:07 PM  | View count: 69

Mang lại không gian xanh, bóng mát và giúp cải thiện chất lượng không khí, song nguy cơ cây xanh gãy đổ, nhất là trong mùa mưa bão khiến không ít người dân Thủ đô lo lắng. Để những tuyến đường xanh luôn an toàn, bên cạnh việc trồng, chăm sóc, hằng năm thành phố Hà Nội đã chủ động rà soát, cắt tỉa cây nguy hiểm.

Mang lại không gian xanh, bóng mát và giúp cải thiện chất lượng không khí, song nguy cơ cây xanh gãy đổ, nhất là trong mùa mưa bão khiến không ít người dân Thủ đô lo lắng. Để những tuyến đường xanh luôn an toàn, bên cạnh việc trồng, chăm sóc, hằng năm thành phố Hà Nội đã chủ động rà soát, cắt tỉa cây nguy hiểm.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cây trên tuyến phố Hoàng Diệu (quận Ba Đình).
 

Phân cấp để quản lý

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có 821.744 cây bóng mát; được phân cấp quản lý từ thành phố đến quận, huyện, thị xã. Trong đó, ở cấp thành phố, Sở được giao quản lý hệ thống cây xanh đô thị tại các công viên, vườn hoa lớn, các tuyến đường, phố đã có tên. UBND cấp huyện quản lý cây xanh tại các khu dân cư, tuyến đường trên địa bàn chưa có tên...

Ở cấp thành phố quản lý, qua đấu thầu, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội (Công ty Công viên cây xanh Hà Nội) chịu trách nhiệm duy trì phần lớn hệ thống cây xanh, vườn hoa trên địa bàn 12 quận và các tuyến đường Đại lộ Thăng Long, Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công... Địa bàn ngoại thành có 4 đơn vị trúng thầu đảm trách.

Không thể phủ nhận những tác dụng to lớn của cây xanh đối với đời sống đô thị, song nguy cơ cây đổ, cành gãy khi mưa, dông bão gây mất an toàn khiến không ít người phải lo lắng. Chị Nguyễn Phương Ngân (phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) bày tỏ: “Thực tế, đã có nhiều trường hợp cây gãy đổ đè vào xe máy, ô tô đang đỗ, thậm chí gây tai nạn chết người nên tôi khá lo ngại khi lưu thông trên đường lúc trời mưa bão...”.

Để giảm thiểu tình trạng cây gãy đổ, nhất là trong mùa mưa bão, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết: Ngay từ đầu năm 2021, Sở đã có văn bản gửi các đơn vị quản lý, duy trì hệ thống cây xanh; UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát khối lượng cây bóng mát có nguy cơ gãy, đổ; xây dựng kế hoạch cắt tỉa, hạ độ cao cây nguy hiểm, có nguy cơ mất an toàn. Việc cắt tỉa cây xanh trên địa bàn thành phố được thực hiện định kỳ nhằm hạn chế thấp nhất cây đổ, cành gãy, gây nguy hiểm đến người và tài sản.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát, cắt tỉa

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) - đơn vị được Sở Xây dựng giao giám sát công tác duy tu, duy trì hệ thống cây xanh, việc cắt tỉa cây được phân thành 2 nhóm: Cắt vén tán, nâng cao vòm lá, cắt cành khô (thực hiện 2 lần/năm) nhằm hạn chế ảnh hưởng tới giao thông; cắt làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao (1 lần/2 năm) nhằm hạn chế tình trạng cây gãy đổ. Việc cắt tỉa cây phải bảo đảm sự hài hòa về tỷ lệ chiều cao ngọn, chiều cao dưới cành, đường kính tán, phù hợp đặc điểm không gian, cảnh quan của tuyến đường. “Nhờ chủ động, thường xuyên kiểm tra, rà soát, cắt tỉa nên trong 5 năm trở lại đây, tình trạng cây gãy, đổ, nhất là trong mùa mưa bão đã giảm rõ rệt” - ông Trần Anh Tuấn khẳng định.

Là đơn vị chủ lực quản lý, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh chia sẻ: Việc khảo sát thường xuyên có vai trò quyết định, giúp hạn chế thấp nhất rủi ro do cây xanh gãy đổ. Công việc này được công ty thực hiện hằng ngày. Về dấu hiệu nhận biết cây nguy hiểm, ông Nguyễn Đức Mạnh cho hay: Đó thường là những cây chết, già cỗi, bị mục gốc, có vết nứt ở gốc, thân, cây quá nghiêng, cây nặng tán, cây có chiều cao lớn, rễ nổi... Những trường hợp như trên sẽ được đơn vị chặt hạ ngay. 

Thông tin về kết quả công tác cắt tỉa cây xanh đề phòng mưa bão năm 2021, Sở Xây dựng cho biết: Đến nay, trên địa bàn 12 quận, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã cắt tỉa hơn 22.000 cây trên 200 tuyến đường; Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội cắt tỉa 186 cây tại hai công viên Thủ Lệ và Hòa Bình. Địa bàn ngoại thành, các đơn vị đã cắt tỉa 11.995 cây/19 tuyến đường. Ngoài ra, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý hơn 300 trường hợp cây nguy hiểm qua đơn thư phản ánh của người dân, cơ quan, tổ chức.

Đối với cấp quận, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Bình cho hay, nhằm bảo đảm an toàn cây xanh tại khu dân cư, khu đô thị, ngõ xóm, UBND quận đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận chủ trì, phối hợp với UBND các phường kiểm tra, rà soát, kịp thời cắt tỉa cây ảnh hưởng đến giao thông, cây nặng tán, thay thế cây sâu mục nguy cơ gãy đổ, gia cố cọc chống cho cây mới trồng. Đối với cây xanh trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, quận tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ việc kiểm tra, kịp thời có biện pháp xử lý những cây nặng tán, cây sâu mục có nguy cơ gãy đổ...

Bên cạnh việc chủ động rà soát, cắt tỉa, Sở Xây dựng cũng đã lập phương án, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị quản lý, duy trì hệ thống cây xanh triển khai ứng trực khi có mưa bão, sẵn sàng xử lý sự cố, giải tỏa cây gãy, đổ, bảo đảm giao thông an toàn cho những tuyến đường của Thủ đô.

 

Dạ Khánh/Hà Nội mới

http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/thoi-su/824913/vi-nhung-tuyen-duong-xanh-an-toan