Skip to Content

  Hà nội xanh

Tăng cường thêm các hành lang xanh, "lá phổi" xanh cho Thủ đô
18/06/2024 | 4:34 PM

Với những chỉ đạo, định hướng tại Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường thêm hành lang xanh cùng với sự quyết tâm trong triển khai hành động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô, chúng ta hoàn toàn có thể đưa sông Hồng trở thành trục xanh, hành lang xanh cho Hà Nội trong tương lai gần.

Với những chỉ đạo, định hướng tại Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường thêm hành lang xanh cùng với sự quyết tâm trong triển khai hành động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô, chúng ta hoàn toàn có thể đưa sông Hồng trở thành trục xanh, hành lang xanh cho Hà Nội trong tương lai gần.

Cơ hội phát triển một Hà Nội Xanh

Tại Kết luận số 80-KL/TƯ (ngày 24/5/2024) của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 có lưu ý về việc xây dựng mô hình quận xanh, sinh thái thành hình mẫu tiêu biểu của cả nước; tăng cường thêm các hành lang xanh, nêm xanh, thảm xanh để tăng diện tích đất xanh, không chỉ ở khu vực ngoại thành mà cả trong khu vực nội thành, đặc biệt xanh hóa ở khu vực nội đô lịch sử.

Vườn hoa Tao Đàn (quận Hoàn Kiếm) sau cải tạo cuối năm 2023, tăng thêm mảng xanh cho nội đô lịch sử. Ảnh: Quang Thái

Trong bối cảnh Hà Nội là một trong những đô thị có tốc độ đô thị hóa “nóng” vào loại cao nhất cả nước thì chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 80-KL/TƯ có ý nghĩa quan trọng. Việc gia tăng diện tích xanh sẽ góp phần làm “mềm hóa” không gian, tạo nên nhiều điểm nhấn thẩm mỹ - xanh - sinh thái cho khu vực nội đô, cũng như nâng cao tiện ích sống cho người dân, tiệm cận đến các giá trị sống xanh và sinh thái.

Điều này cũng sẽ cho phép bổ sung số lượng đáng kể diện tích cây xanh, đang còn rất thiếu (Hà Nội mới đạt khoảng 2m2/người, trong khi Liên hợp quốc khuyến nghị đối với các đô thị là 9m2/người), để tạo dựng tính sinh thái và bản sắc kiến trúc cảnh quan cho đô thị theo đúng định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đáng chú ý, theo Kết luận số 80-KL/TW, Quy hoạch Thủ đô cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô cũng cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế, xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết, những nội dung trên đều là điểm nhấn quan trọng để thấy rằng hai đồ án quy hoạch phải tạo ra sự thay đổi căn bản, đột phá để Thủ đô sẽ đạt được mục tiêu, ngang tầm với Thủ đô các nước trong khu vực; đến năm 2050 phải là một trong những Thủ đô đứng đầu trong khu vực và ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển.

“Xanh hóa” ngay từ từng hộ gia đình

Hành lang xanh là một khái niệm được áp dụng ngày càng phổ biến trong quy hoạch đô thị hiện đại, đặc biệt là ở những thành phố lớn đang đối mặt với các thách thức về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Hành lang xanh không chỉ liên quan đến việc tạo ra không gian xanh mà còn bao hàm sự kết nối các không gian này lại với nhau, hướng đến một mục tiêu tổng thể về một môi trường sống bền vững, thân thiện và khỏe mạnh.

Ở Hà Nội, sông Hồng và sông Đuống là cơ sở tạo lập hành lang xanh chủ đạo của đô thị trung tâm. Xét về mặt lịch sử quy hoạch Hà Nội, sông nói chung và sông Hồng nói riêng còn là yếu tố quan trọng trong việc thiết lập cấu trúc không gian TP từ thời cổ đại cho đến ngày nay.

Ở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quan điểm về hành lang xanh đã có sự mở rộng khi chấp nhận các khu vực chức năng có mật độ thấp như công viên giải trí, khu du lịch sinh thái, khu vực bảo vệ di sản văn hóa nhằm tạo lập, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị.

Về thực trạng phát triển không gian xanh trong nội đô lịch sử hiện nay, một số chuyên gia cho rằng, hạn chế lớn nhất là tỷ lệ không gian xanh vừa thấp vừa phân bố không đồng đều. Một loạt các công viên và vườn hoa đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa thỏa mãn nhu cầu và khoảng cách phục vụ cho cư dân đô thị. Nhiều khu đất được quy hoạch cho chức năng không gian xanh vẫn chưa được đầu tư xây dựng, bị bỏ hoang, đổ rác thải hoặc tận dụng kinh doanh tạm…

Không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, với khu vực phố cổ, phố cũ trải qua nhiều giai đoạn biến động về dân số, cơ cấu tổ chức đơn vị hành chính nên ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện các chỉ tiêu về xanh hóa. Giải pháp khắc phục khó khăn về thiếu quỹ đất cho không gian xanh là cần những chính sách khuyến khích, vận động để các hộ gia đình tham gia “xanh hóa” ngôi nhà ở cả mặt đứng và trên mái. Thành phố cần có nghiên cứu tổng thể để cụ thể hóa và có những hướng dẫn chi tiết cho người dân về chủng loại cây xanh và đặc biệt là vấn đề thoát nước khi trồng cây xanh ở ban công và trên mái. Ngoài ra, thành phố cũng nên ứng dụng khoa học và có chính sách ưu đãi cho các không gian xanh dạng vườn treo.

Theo kế hoạch, tại khu phố cổ, Hà Nội sẽ thí điểm trồng bổ sung cây xanh kết hợp trang trí mặt tiền của tầng trên. Tương tự, khu phố có kiến trúc Pháp sẽ thí điểm bổ sung hoa, cây xanh mặt đứng, bồn cây sát tường công trình. Các cơ quan, hộ gia đình cũng được vận động trang trí cây xanh, thảm cỏ, hoa dọc vỉa hè theo quy cách thống nhất tạo cảnh quan đô thị.

Thách thức lớn nhất của Hà Nội trong những năm qua và nhiều năm tới chính là đối phó với suy thoái môi trường sinh thái bởi hai tác nhân đồng thời: Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị thiếu kiểm soát. Hậu quả nhận thấy là ô nhiễm đất, nước, không khí gia tăng.

Trong nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu quy hoạch phải “phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu... nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn Thủ đô”. Mục tiêu này cần được gắn với chiến lược phát triển hành lang xanh, vành đai xanh của Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô đặt ra tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng...

Với chỉ đạo sát sao, cụ thể của Bộ Chính trị tại Kết luận số 80-KL/TƯ, cùng với sự tập trung cao độ của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Nội trong triển khai hành động, kỳ vọng, tương lai gần, Hà Nội ngát xanh, sẽ thực sự trở thành nơi đáng đến, lưu lại, đáng sống và cống hiến.

Diệu Linh

Theo Tuoitrethudo.vn

 

 

  Hà Nội sạch

  Hà nội đẹp

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh