Skip to Content

  Tiêu điểm

Chống úng ngập đô thị: Thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Publish date 03/11/2017 | 11:19 AM

Thời gian qua, số điểm úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mỗi khi mưa lớn đã giảm so với trước. Đợt giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đã ghi nhận, các giải pháp chống úng ngập của thành phố bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thành phố cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, thúc đẩy nhanh các dự án thoát nước.

Thời gian qua, số điểm úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mỗi khi mưa lớn đã giảm so với trước. Đợt giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đã ghi nhận, các giải pháp chống úng ngập của thành phố bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thành phố cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, thúc đẩy nhanh các dự án thoát nước.

Các thành viên Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội thăm Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội.
 

 

Chuyển biến nhưng chưa triệt để
Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 725/QĐ-TTg ngày 10-5-2013. Theo đó, quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước được lập cho toàn bộ địa giới hành chính của Thủ đô với tổng diện tích 3.344,7km2 và phần mở rộng ngoài địa giới hành chính Hà Nội thuộc các tỉnh: Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên có cùng lưu vực sông. 
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương cho biết, đến nay, thành phố mới chủ yếu đầu tư xây dựng ở khu vực trung tâm Hà Nội với tổng diện tích 220km2, trong đó chỉ có lưu vực sông Tô Lịch (diện tích 77,5km2, chiếm 35%) đã được đầu tư tương đối hoàn thiện. Dù khối lượng đầu tư chưa phủ rộng, có nơi chưa hoàn chỉnh, song đã nâng cao rõ rệt năng lực của hệ thống thoát nước. Trước đây, thời gian ngập úng tại các điểm được tính bằng đơn vị ngày, thì nay thời gian ngập úng tính bằng phút. Đặc biệt, công tác tiêu thoát nước mưa chủ động hơn, không bị phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ và trong nhiều trường hợp còn hỗ trợ tiêu thoát nước cho sông Nhuệ.
Chuyển biến trên cũng đã được Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội ghi nhận tại đợt giám sát về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Quy hoạch thoát nước trên địa bàn thành phố. Song nhiều thành viên Ban Đô thị cho rằng, vẫn còn một số dự án chưa triển khai theo quy hoạch đã được duyệt, dẫn đến ngập úng vẫn xảy ra ở một số khu vực trung tâm thành phố. Ngoài 18 điểm diễn ra ngập thường xuyên (lưu vực sông Tô Lịch 11 điểm, lưu vực quận Long Biên 3 điểm, quận Hà Đông 2 điểm, Tả Nhuệ 2 điểm), còn một số điểm ngập úng rải rác trên quốc lộ 70, quốc lộ 32, quốc lộ 21B, quốc lộ 1A, đường gom Đại lộ Thăng Long, ngõ ngách các khu dân cư 12 quận.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, nguyên nhân là do thành phố mới chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân; còn lại các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cũng cho biết, do đặc thù hệ thống thoát nước là một mạng lưới liên hoàn; trong khi còn tình trạng cùng một tiểu lưu vực đan xen nhiều đơn vị quản lý dẫn đến việc duy tu, duy trì chưa được đồng nhất, hiệu quả thoát nước chưa cao. Ngoài ra, đối với các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh (Hà Đông, Long Biên, Tả Nhuệ đoạn từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ), một số tuyến mương nông nghiệp chuyển sang phục vụ thoát nước đô thị nhưng chưa bàn giao cho đơn vị quản lý hoặc một số chủ đầu tư, nhà thầu chưa tuân thủ thỏa thuận thoát nước, thi công làm hẹp dòng chảy, lượng bùn trong lòng cống lớn... Đặc biệt, tại các ngõ, ngách khu dân cư, nhiều nhà hàng, quán ăn xả thải có lượng dầu mỡ cao cũng gây tắc nghẽn dòng chảy...
Đẩy nhanh thực hiện các dự án
Theo nhận định của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, để giải quyết vấn đề ngập úng khu vực nội thành, UBND thành phố cần sớm chỉ đạo tập trung bàn giao, tiếp nhận công trình thoát nước đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư; chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống cống, kênh mương, hồ điều hòa. Cùng với tổ chức ứng trực 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ các bản tin khí tượng thủy văn, dự báo thời tiết, thì các đơn vị quản lý duy tu, duy trì hệ thống thoát nước cần chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec theo dõi 18 điểm nguy cơ xảy ra ngập úng để có giải pháp tiêu thoát nước kịp thời; xử lý nhanh các điểm ngập úng cục bộ tại các ngõ ngách. 
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng, về giải pháp lâu dài, thành phố cần xây dựng bản đồ nền, quy hoạch cao độ nền (cốt nền) làm cơ sở triển khai số hóa toàn bộ hệ thống thoát nước, đáp ứng công tác quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch. Đặc biệt, với diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích bê tông hóa ngày càng nhiều…, thành phố cần nghiên cứu tăng thêm diện tích cây xanh để tăng hệ số thẩm thấu; bổ sung hồ điều hòa đáp ứng tiêu chí kỹ thuật, cảnh quan, quy hoạch chung của Thủ đô. Bên cạnh đó, cần có chế tài cụ thể yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp bảo đảm chất lượng nước thải trước khi xả ra môi trường.
Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân, cần có giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại này. Thành phố đang nỗ lực triển khai các dự án thoát nước, song còn nhiều dự án chậm triển khai do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và trách nhiệm này thuộc về các quận, huyện. Ban Đô thị đã đề nghị Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội tập trung tham mưu cho UBND thành phố tháo gỡ vướng mắc; phối hợp với quận, huyện, sở, ngành liên quan khắc phục khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các công trình thoát nước theo quy hoạch.

Việt Tuấn/Hà nội mới

  Hà nội xanh

  Hà Nội sạch

  Hà nội đẹp

  Tin tức khác

  Đánh giá, bình chọn

Đánh giá giao diện Trang tin:

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh
Trang thông tin điện tử Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp đang trong giai đoạn thử nghiệm, một số hình ảnh, video sẽ đăng ký bản quyền khi hoạt động chính thức