Skip to Content

  VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

Chuyển biến trong bảo vệ môi trường ở Gia Lâm.
28/02/2018 | 5:26 PM

Huyện Gia Lâm: Tồn tại nhiều vi phạm Luật Đê điều Huyện Gia Lâm: Nhiều đột phá trong cải cách hành chính

Huyện Gia Lâm: Tồn tại nhiều vi phạm Luật Đê điều Huyện Gia Lâm: Nhiều đột phá trong cải cách hành chính

98% rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển kịp thời; chất thải từ sản xuất nông nghiệp cũng được xử lý hợp vệ sinh... Đây là những nỗ lực, tạo sự chuyển biến tích cực về công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới của huyện Gia Lâm.
Trung bình mỗi ngày, huyện Gia Lâm phát sinh 175 tấn chất thải rắn sinh hoạt, công tác thu gom, vận chuyển xử lý đạt tỷ lệ 98%, bảo đảm hợp vệ sinh. Đáng chú ý, công tác bảo vệ môi trường của huyện đã thu hút sự tham gia tích cực của các hội, đoàn thể tại 22 xã, thị trấn trên địa bàn. Các địa phương tổ chức nhiều đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, xóa bỏ các điểm rác tồn đọng, nạo vét cống rãnh, ao, hồ; giữ gìn 279 đoạn đường tự quản.
Trong sản xuất nông nghiệp, tại các xã có thế mạnh về chăn nuôi quy mô lớn như nuôi bò sữa, lợn ở các xã Phù Đổng, Trung Mầu, Kim Sơn…, thay vì xả thẳng chất thải ra ao, hồ, cống rãnh gây mất vệ sinh, các địa phương đã thu gom tận dụng chất thải để nuôi giun quế và xây hầm biogas... Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, huyện đã phối hợp với các xã Phù Đổng, Đặng Xá triển khai thí điểm mô hình nuôi giun quế, xử lý chất thải trong chăn nuôi khá hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền tới nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn không xả chất thải chăn nuôi ra môi trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết thêm, đến nay môi trường nông thôn của huyện đã cơ bản được xử lý, bảo đảm xanh, sạch, đẹp gắn với các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh xử lý tốt chất thải trong sinh hoạt thì công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, do nhận thức còn hạn chế, một bộ phận người dân đã bỏ chất thải công nghiệp chung vào chất thải sinh hoạt. Để giải quyết tình trạng này, huyện Gia Lâm đã phối hợp với đại diện hiệp hội làng nghề tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân nhằm thay đổi hành vi bảo vệ môi trường. Cùng với đó, trong năm 2018, huyện sẽ hỗ trợ các làng nghề Kim Lan, Bát Tràng, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp… xây dựng các điểm tập kết chất thải, tránh tình trạng đổ rác thải làng nghề không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Vân, năm 2017 là năm đầu tiên UBND thành phố giao cho các quận, huyện tổ chức thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường (trước đây do các công ty vệ sinh môi trường thu) để tăng nguồn thu cho công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Huyện Gia Lâm đã rà soát dữ liệu dân cư để tính toán nguồn thu giá dịch vụ môi trường là 11,4 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, để bảo đảm cân đối, bù đắp chi phí cho công tác vệ sinh môi trường, nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường ở khu dân cư trên địa bàn huyện, cần quan tâm, đẩy mạnh công tác thu giá dịch vụ nhằm tăng nguồn thu. "Đối với các huyện ngoại thành, mức thu giá dịch vụ của hộ gia đình là 3.000 đồng/người/tháng, trong khi đó khối lượng thu gom rác thải ở nông thôn lớn, hạ tầng giao thông khó khăn. Nếu tăng mức thu sẽ cân đối được chi phí, nâng cao hơn nữa chất lượng vệ sinh môi trường" - bà Vân kiến nghị.

Minh Phú /Hà nội mới

  Chuyên mục

  Hà nội xanh

  Hà nội đẹp

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh