Truy cập nội dung luôn

  HÀ NỘI ĐẸP

Xử lý hoạt động quảng cáo rao vặt trái quy định: Đòi hỏi sự kiên quyết, triệt để
17/04/2017 | 2:18 PM

Thời gian qua, hoạt động quảng cáo rao vặt (QCRV) trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện dưới rất nhiều hình thức. Nhiều biện pháp xử lý, xử phạt đã được thực hiện như: Bóc xóa, cắt số điện thoại vi phạm, lắp dựng bảng QCRV miễn phí cho người có nhu cầu… nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn nạn này. Do vậy, thời gian tới đòi hỏi phải có giải pháp kiên quyết hơn.

Thời gian qua, hoạt động quảng cáo rao vặt (QCRV) trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện dưới rất nhiều hình thức. Nhiều biện pháp xử lý, xử phạt đã được thực hiện như: Bóc xóa, cắt số điện thoại vi phạm, lắp dựng bảng QCRV miễn phí cho người có nhu cầu… nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn nạn này. Do vậy, thời gian tới đòi hỏi phải có giải pháp kiên quyết hơn.

Đoàn thanh niên phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) trồng và đặt cây, chậu hoa tại những điểm công cộng đã được bóc xóa quảng cáo.
 

 

Xử phạt nhẹ, chưa đủ răn đe

Qua khảo sát cho thấy, hình thức QCRV phổ biến như sơn, viết, vẽ, dán nội dung QC lên tường, gốc cây, tủ điện… cơ bản được giải quyết ở các tuyến đường, phố lớn. Trong ngõ, ngách, hình thức QC này vẫn còn, nhưng không phổ biến. Thay vào đó, QCRV xuất hiện dưới những hình thức tinh vi, khó xử lý hơn. Những đối tượng có nhu cầu QCRV thường thuê người không có việc làm ổn định, không có địa chỉ cư trú rõ ràng đi dán vào ban đêm. Người được thuê thường không biết chủ thuê mình là ai và vì “miếng cơm, manh áo”, họ bất chấp nguy hiểm trèo lên cột điện, cây cao để treo, dán nội dung QC ở những vị trí khó bóc, xóa. Họ sẵn sàng đến từng nhà dân “rao vặt” bằng những miếng dán nhỏ như hộp diêm, dán cạnh biển số nhà, trên ổ khóa… Để bắt đối tượng hoạt động QCRV trái quy định rất khó khăn và khi bắt được cũng không dễ xử lý.

“Yêu cầu người dán QCRV giải quyết hậu quả họ vừa gây ra cần có người giám sát, lập biên bản hiện trạng..., nhưng không phải lúc nào các địa phương cũng bố trí được người đi theo dõi, giám sát. Giam giữ đối tượng vi phạm để có thời gian điều tra, làm rõ hành vi vi phạm lại vượt quá thẩm quyền của các địa phương. Việc thống kê và đề xuất cắt số điện thoại vi phạm cũng chưa hiệu quả, vì số điện thoại rao vặt chủ yếu là số rác, cắt số này, số khác lại xuất hiện” - ông Trần Văn Thưởng, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT Hà Nội) chia sẻ.

Bảng thông tin QCRV miễn phí được kỳ vọng là giải pháp hạn chế nạn QCRV tràn lan ít phát huy tác dụng. Hơn 1.000 bảng đã lắp dựng ở cả nội thành và ngoại thành thường trong tình trạng nhếch nhác; có bảng chằng chịt nội dung quảng cáo đủ kích cỡ, mạnh ai người nấy dán; có bảng thì trống trơn, trở thành điểm tập kết rác. Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, việc lắp đặt, quản lý bảng QCRV miễn phí do các địa phương lựa chọn và chịu trách nhiệm. Những năm qua, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm “gom” QCRV về một mối, nhưng do một số bảng miễn phí lắp dựng ở những vị trí chưa phù hợp, ý thức của người có nhu cầu QCRV chưa cao, khiến bức tranh đô thị bị ảnh hưởng. Chế tài xử phạt đối với hành vi QCRV trái quy định chưa đủ sức răn đe cũng là một trong những nguyên nhân khiến QCRV không được xử lý triệt để.

Cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở

Trong khi các biện pháp quản lý chưa khả thi, trên thực tế lại xuất hiện những hình thức QCRV tinh vi hơn. Đó là những bảng QC nhỏ bằng bàn tay hoặc quyển sách chạy chữ điện tử trước cửa một số cơ sở kinh doanh. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, hình thức QC này không phải là biển hiệu, cũng không phải là QCRV như chúng ta thường thấy, nhưng về bản chất nó là QCRV, nếu xuất hiện tràn lan sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Các quy định của pháp luật hiện hành cũng như quy chế quản lý hoạt động QC ngoài trời của TP Hà Nội năm 2016, chưa đề cập đến hình thức QC này.

Ông Nguyễn Khắc Lợi cho rằng, QCRV là nhu cầu tất yếu của cả người bán, người mua và xã hội. Thay vì những giải pháp tình thế, cần thiết phải nghiên cứu tìm giải pháp mang tính bền vững. Chẳng hạn, bố trí điểm QCRV ở những vị trí thực sự cần thiết như bến tàu, xe; nhà ga, nhà chờ xe buýt và đưa ra hình thức quản lý phù hợp. Mặt khác, trong thời đại công nghệ phát triển, QCRV bằng công nghệ điện tử cũng cần được tính đến...

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Hà Phương, sở dĩ nạn QCRV được khắc phục tương đối triệt để trên địa bàn phường là nhờ sự ra quân quyết liệt và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đoàn thể chức năng, trong đó nòng cốt là Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ. Ý thức rõ trách nhiệm được giao, phụ nữ phường Khương Đình đi chơi, đi chợ hay đi bất cứ đâu nhìn thấy QCRV là bóc, xóa, tháo dỡ. “Tang vật” được chị em gom lại làm cơ sở đánh giá kết quả hoạt động, thi đua của các chi hội phụ nữ theo tháng, quý và năm. Ngoài các đợt ra quân, Đoàn thanh niên phường Khương Đình còn tận dụng vật liệu bỏ đi làm chậu trồng cây đặt tại những “điểm đen” về QCRV. Việc làm này, vừa mang đến màu xanh cho đô thị, vừa lấp đi những khoảng trống không gian để QCRV không có “đất sống”.

Thực tế cho thấy, ở đâu chính quyền cơ sở vào cuộc, các ngành, đoàn thể có sự phối hợp chặt chẽ, ở đó hoạt động QCRV nói riêng, ý thức xây dựng nếp sống văn minh đô thị nói chung của cộng đồng có sự chuyển biến tích cực. Mong rằng, các ngành, địa phương quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý hoạt động QCRV, góp phần xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp.

Theo Hà Hiền/Hà Nội mới

 

  Hà nội xanh

  Hà Nội sạch

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh