Truy cập nội dung luôn

  HÀ NỘI ĐẸP

“Mặt sau” của tranh tường
30/11/2019 | 12:50 AM

Gần đây, báo chí giới thiệu về loạt tranh tường mới được tạo ra tại thôn Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Họ miêu tả Chử Xá là “làng bích họa đầu tiên tại Hà Nội”. Trải qua 6 tháng, trong khuôn khổ một dự án nghệ thuật cộng đồng, nhóm họa sĩ trẻ thực hiện hàng chục bức tranh với “toan” là những bức tường nhà dân trong thôn Chử Xá, tường nhà kho nằm ven cánh đồng.

Gần đây, báo chí giới thiệu về loạt tranh tường mới được tạo ra tại thôn Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Họ miêu tả Chử Xá là “làng bích họa đầu tiên tại Hà Nội”. Trải qua 6 tháng, trong khuôn khổ một dự án nghệ thuật cộng đồng, nhóm họa sĩ trẻ thực hiện hàng chục bức tranh với “toan” là những bức tường nhà dân trong thôn Chử Xá, tường nhà kho nằm ven cánh đồng.

Họ vẽ rau, củ, quả, những sạp hàng, luống rau, theo những mẫu thiết kế đã được đem ra hỏi ý kiến của chính quyền và người dân sở tại. Dễ thấy là chủ đề của loạt tranh tường gần gũi với đời sống thường nhật của người nông dân. Loạt tranh này, về cơ bản là nhận được sự tán dương của cộng đồng và Chử Xá trở thành điểm check-in của nhiều bạn trẻ.

Những bức tranh tường ở thôn Chử Xá đại diện cho một xu hướng làm đẹp không gian công cộng bằng nghệ thuật hội họa ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Tranh “mọc” trên tường ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng…, mỗi ngày một nhiều hơn, ít nhiều góp phần làm đẹp cho cuộc sống đô thị hay làng quê. Ở nhiều nơi, những bức tường “lở loét” bởi những dòng quảng cáo “khoan cắt bê tông”, “thông tắc bồn cầu”, “hỗ trợ tài chính”… hay đã ngả màu thời gian như được thay áo mới, sáng sủa và dễ nhìn. Người vẽ không chỉ đưa lên đó nét đẹp phong cảnh, hình ảnh sinh hoạt, thông điệp giáo dục mà còn kết hợp hình ảnh thông thường với một số khẩu hiệu mang ý nghĩa xã hội…

Tuy vậy, với tranh tường, những hoạt động làm đẹp nói trên có phải chỉ mang một màu tích cực?

Khi xem xét một xu hướng, tất yếu cần lật đi lật lại vấn đề. Tranh tường, rất khó nói chính xác là xuất hiện lần đầu ở Việt Nam từ khi nào, nhưng những dự án/ tác phẩm nổi bật có tính điểm nhấn thì có thể xác định được. Tại Hà Nội, đã có ý kiến xem xét xu hướng tranh tường nhiều hơn kể từ khi dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” được thực hiện nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010). Điểm nhấn đáng kể tiếp theo là dự án Phố bích họa Phùng Hưng. Ngoài hai dự án này và một số tác phẩm tranh tường được thực hiện ở nội thành và ngoại thành Hà Nội được đầu tư bài bản, còn khá nhiều tranh tường được thực hiện tại các ngõ phố, thôn làng với cách thực hiện mang tính ngẫu hứng, “nhỏ lẻ”, không dễ tạo điểm nhấn ấn tượng cho không gian công cộng và vẻ đẹp bền vững theo thời gian.

Một số “đường tranh” mọc lên tùy hứng mang theo sự hồ nghi về chất lượng, khả năng phá vỡ cảnh quan nếu những người thực hiện nó không có tay nghề cao và việc vẽ tranh không được đem ra bàn bạc một cách kỹ lưỡng. Đó là chưa tính đến một vấn đề quan trọng khác: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm đôn đốc việc sửa chữa những hư hại có thể xuất hiện sau một khoảng thời gian nhất định, để bảo đảm rằng những bức tranh tường không trở nên lem nhem và khiến bộ mặt phố phường nhem nhuốc? Kinh phí sửa chữa, tô vẽ lại được lấy từ đâu khi nhà tài trợ ban đầu đã không còn ràng buộc trách nhiệm?

Vẽ tranh tường đang là một nghề được nhiều người theo đuổi - căn cứ vào đủ loại lời rao của những người cung cấp dịch vụ này. Sự bận rộn xuất phát từ nhu cầu làm đẹp không gian trường học, cơ sở cung cấp dịch vụ giải trí, cửa hàng cà phê và những ngôi nhà mới được xây dựng. Vấn đề nằm ở chỗ nhiều nơi không chỉ muốn vẽ tranh tường ở trong nhà, mà còn đặt vẽ tranh trên những bức tường ở mặt phố. Giới cung cấp dịch vụ có sẵn mẫu tranh phù hợp với từng loại nhu cầu và do đó, có thể dẫn đến sự lặp lại về nội dung, chủ đề, phong cách ở đâu đó…

Tranh tường có khả năng xuất hiện nhiều hơn nữa và đến một lúc nào đó, thực tế sẽ đặt ra yêu cầu quản lý dù chúng ta có muốn hay không. Sự tác động, ý kiến mang tính hướng dẫn đối với hoạt động này nhằm bảo đảm cho tranh tường xuất hiện ở đúng nơi cần có sự hiện diện của nó, được bảo dưỡng thường xuyên, góp phần tạo điểm nhấn nghệ thuật có tác dụng làm đẹp không gian chung của cộng đồng thay vì ngược lại. Nếu không nghĩ sớm về điều nói trên, rất có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ phải huy động nguồn lực để xóa “rác nghệ thuật” - những bức tranh tường thừa thãi, gây phản cảm hoặc không phù hợp, đã hư hỏng sau một khoảng thời gian trải mưa nắng. Như thế thì chẳng khác mấy so với một thời khổ sở với những “khoan cắt bê tông”.         

Hoàng Lê /Hà Nội mới

(http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/thoi-su/821501/mat-sau-cua-tranh-tuong)

  Hà nội xanh

  Hà Nội sạch

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh