Truy cập nội dung luôn

  HÀ NỘI ĐẸP

Giữ lửa làng nghề truyền thống
06/03/2020 | 3:26 PM

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhiều đời làm nghề sản xuất mây, tre đan thủ công tại thôn Xâm Dương 3, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội), Bùi Tiến Anh đã sớm “bén duyên” với nghề.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhiều đời làm nghề sản xuất mây, tre đan thủ công tại thôn Xâm Dương 3, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội), Bùi Tiến Anh đã sớm “bén duyên” với nghề.

Ngày ngày được tiếp xúc với mây, tre, nứa, tình yêu ấy cứ lớn dần lên trong anh theo những lần được cha mẹ dạy cách đan nống mốt, nống đôi. Lớn lên, khi bạn bè cùng trang lứa rẽ theo hướng khác, Tiến Anh lại tiếp tục gắn bó với nghề như một mối lương duyên. Bằng sự nhanh nhẹn và nhạy bén của mình, anh được các chủ xưởng tin tưởng giao đi thu mua các mặt hàng mây, tre đan từ khắp nơi về.

Năm 2003, sau rất nhiều năm làm thuê, Tiến Anh mở xưởng sản xuất của riêng mình bằng những kinh nghiệm tích lũy được. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, anh vừa duy trì những kỹ thuật truyền thống vốn có của địa phương, vừa tích cực học hỏi các mô hình sản xuất, kinh doanh của các địa phương khác để tạo ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp thị hiếu khách hàng. Nhờ đó, những sản phẩm do xưởng sản xuất của anh làm ra như lẵng hoa, treo đèn, giỏ quà... luôn được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt trên kệ hàng của các siêu thị lớn như Big C, Metro, Ocean Mart... với doanh thu vài tỷ đồng/năm. Các sản phẩm thủ công được làm ra từ bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề Thường Tín cũng được các thị trường Nga, Đan Mạch, Ba Lan, Đài Loan (Trung Quốc) ưa chuộng. Lúc cao điểm, xưởng của anh xuất sang thị trường Ba Lan hai công-ten-nơ/tháng với hàng triệu sản phẩm, đem lại doanh thu khá cao.

Những năm gần đây, cùng với sự thay đổi và phát triển thị trường hàng hóa, các làng nghề thủ công phải đối mặt không ít khó khăn, nhiều người đã không còn mặn mà với mặt hàng thủ công, nhưng Tiến Anh vẫn quyết tâm bám trụ và nỗ lực giữ lại hồn cốt nghề mây, tre đan truyền thống. Anh dành nhiều thời gian đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và nghiên cứu tìm hiểu yêu cầu của thị trường, từ đó sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới. Kết quả, sau thời gian miệt mài với nghề, anh có xưởng sản xuất với diện tích 500 m2 với hơn 10 lao động thường xuyên và hơn 300 lao động làm khoán với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, anh đã vận động anh em trong gia đình, họ hàng chung tay xây dựng lại nhà thờ Giáo họ, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong làng, xã khám, chữa bệnh miễn phí trong thời gian dài, kể cả những người không cùng đạo. Hiện nay, với sự vận động của anh, đã có hàng vạn gạch, hàng chục bộ cửa và nhiều ngày công được quyên góp để công trình nhà thờ được xây dựng ngày một to đẹp, khang trang hơn.

Với những đóng góp thiết thực gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thống trong nhiều năm gần đây, anh Tiến Anh đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp và TP Hà Nội. Nhưng có lẽ, việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động nghèo và sống có tình nghĩa trong cộng đồng, xã hội, chính là nguồn động viên lớn lao để anh tiếp tục say mê với nghề truyền thống.

https://nhandan.com.vn/bandoc/ban-doc-viet/item/43418202-%E2%80%9Cgiu-lua%E2%80%9D-lang-nghe-truyen-thong.html

Thanh Huyền/Nhân Dân

  Hà nội xanh

  Hà Nội sạch

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh