Truy cập nội dung luôn

  HÀ NỘI ĐẸP

Giữ nét tinh hoa nghề nấu xôi ở Phú Thượng
12/03/2024 | 9:06 AM

Nằm ở phía Tây của Hà Nội, Phú Thượng lâu nay nổi tiếng với nghề nấu xôi truyền thống. Những món xôi ở đây ngon có tiếng, từ lâu đã trở thành món ẩm thực đặc sản của Thủ đô được người tiêu dùng khắp nơi yêu thích.

Nằm ở phía Tây của Hà Nội, Phú Thượng lâu nay nổi tiếng với nghề nấu xôi truyền thống. Những món xôi ở đây ngon có tiếng, từ lâu đã trở thành món ẩm thực đặc sản của Thủ đô được người tiêu dùng khắp nơi yêu thích.

Một gian hàng quảng bá xôi Phú Thượng. Ảnh: Thanh Bình

Thu nhập khá từ nghề nấu xôi

Làng Phú Thượng nằm bên bờ Nam sông Hồng, trước đây thuộc huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Tây Hồ, gồm ba xã là Phú Gia (tên nôm là làng Gạ), Thượng Thụy (làng Bạc) và Phú Xá (làng Xù) hợp lại. Không chỉ nổi tiếng về đào và quất, Phú Thượng còn được biết đến với nghề thổi xôi nức tiếng suốt bao đời nay ở đất Hà thành.

Phó Chủ tịch Hội làng nghề xôi Phú Thượng Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Nghề nấu xôi được ông tổ của đình Phú Thượng khai sinh, từ thời bắt đầu với tập quán gieo trồng lúa nước của người Việt. Ngày xưa các cô, các bà thổi xôi bằng chõ đất, rồi đi bán rong dọc phố phường Hà Nội. Nay, những người phụ nữ ở Phú Thượng đã khéo léo chọn ngâm gạo, đỗ, đồ xôi tạo nên thương hiệu xôi Phú Thượng không những dẻo thơm, mềm mịn, mà màu sắc cũng phong phú đa dạng với các loại nguyên liệu kèm theo như xôi nếp cẩm, xôi dừa, xôi gấc… Dần dần, nghề nấu xôi ở Phú Thượng đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân; đồng thời đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế địa phương. 

Hiện toàn phường Phú Thượng có khoảng 600 hộ nấu xôi, trong đó phụ nữ chiếm 95%; có nhiều gia đình 5 - 6 thế hệ nối nghiệp nhau làm nghề. Được biết, trung bình mỗi ngày, làng xôi Phú Thượng sử dụng hết khoảng 10 tấn gạo để nấu xôi. Vào các ngày mùng 1, rằm, lễ Tết, lượng xôi sẽ tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường, đem lại thu nhập ổn định cho người dân làng nghề. Cụ thể, với khoảng 400 hộ tham gia Hội làng nghề xôi Phú Thượng, hiện thu nhập từ nghề nấu xôi của mỗi hộ bình quân khoảng 600.000 - 1.000.000 đồng/ngày. Nếu trong dịp lễ, Tết hoặc được nhà hàng - khách sạn đặt nhiều thì thu nhập cao gấp 2 - 4 lần so với ngày thường.

Giữ nét tinh hoa nghề xôi

Chị Mai Thị Thanh (Phú Thượng) cho hay: để làm ra món xôi Phú Thượng dẻo, thơm phải rất kỳ công, kỹ lưỡng từ khâu chọn, vo gạo, đồ xôi, tất cả các khâu, công đoạn đều phải rất tỉ mỉ và kỹ lưỡng, chỉ cần sơ sẩy, hay làm ẩu một công đoạn nào thôi thì chõ xôi đó coi như bị hỏng. Chính vì vậy mà gạo để đồ xôi Phú thượng phải là loại gạo mới, nếu ngày mai đồ xôi thì hôm nay mới xát gạo. Muốn đồ được xôi ngon cần vo gạo thật sạch, ngâm khoảng 3 tiếng, sau đó mới mang ra vo, đãi đến khi nước thật trong. Xôi được đồ từ tối hôm trước. Khi xôi chín thì dỡ ra rổ, lấy đũa đảo đều lên để thoát hơi rồi đến tầm 3 giờ sáng hôm sau dậy đồ lại một lần nữa. "Xôi được đồ qua hai lửa nên dù có để qua ngày thì món xôi Phú Thượng vẫn thơm, dẻo chứ không cứng như một số loại xôi khác. Đây là bí quyết làm nên món xôi ngon nức tiếng vùng đất kinh kỳ xưa nay" - một số hộ nấu xôi Phú Thượng chia sẻ.

Xôi Phú Thượng hiện đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của TP. Hà Nội.

Ngày nay, để lan tỏa, giới thiệu nét tinh hoa, sự cầu kỳ trong cách làm, chế biến món xôi Phú Thượng, nhiều người trẻ nơi đây đã và đang mở lớp dậy làm xôi trực tiếp và online. Đây là một trong những hình thức quảng bá hình ảnh xôi Phú Thượng tới người dân, bạn bè trên mọi miền Tổ quốc. Theo đó, bí kíp làm xôi được hướng dẫn tỉ mỉ dành cho những ai có niềm đam mê về ẩm thực nói chung và món xôi nói riêng. Chị Thu Hằng (33 tuổi, người dân tại Phú Thượng) chia sẻ: Tôi đã mở lớp dậy làm xôi từ khi bắt đầu đợt dịch Covid năm 2020. Lúc đó, do công việc kinh doanh xôi của gia đình gặp khó khăn, đầu ra cho sản phẩm xôi bị giảm đi đáng kể do nhiều nhà hàng phải đóng cửa. Cạnh đó, việc bán hàng nhỏ lẻ của gia đình cũng bị ảnh hưởng do việc hạn chế ra ngoài nên ban đầu, chị Hằng mở các nhóm chat để hướng dẫn những người bạn của mình nấu món ăn sáng phục vụ gia đình khi thực hiện cách ly xã hội. Sau khi thấy việc chia sẻ của mình hữu ích, cộng với việc có thêm nhiều người có nhu cầu học nấu xôi đó bạn bè giới thiệu, chị đã mạnh dạn mở lớp học nấu xôi qua Zoom. Đến nay, dịch đã đi qua, nhưng lớp học vẫn được chị mở đều đặn mỗi tháng cho những người có nhu cầu học bí quyết làm xôi Phú Thượng - chị Hằng cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Tuyến cũng chia sẻ: Gia đình tôi có truyền thống 3 đời làm nghề nấu xôi. Bà Tuyến kể: Không biết nghề nấu xôi gắn bó với gia đình bà từ lúc nào. Chỉ nhớ, hồi nhỏ, khi bà được khoảng 7 - 8 tuổi đã được bố mẹ truyền lại nghề. Những bài học đầu tiên là được bố mẹ giới thiệu việc lựa chọn gạo, nguyên liệu để nấu ra các món xôi truyền thống như xôi trắng, xôi xéo, xôi lạc. Sau làm miết thành quen, và nấu xôi đã trở thành nghề thuần thục với bà. Sau đó bà truyền lại cho các con, nay là các cháu. Bà Tuyến cũng tâm sự: Công việc làm xôi trước đây chỉ có các chị em phụ nữ ở Phú Thượng làm, vì đây là công việc thể hiện sự khéo léo, kiên nhẫn. Nay thì có cả nam giới, nhiều anh thanh niên cũng theo nghề, thậm chí làm ông chủ, chuyên phân phối xôi cho các nơi. "Trước đây tôi được Hội Phụ nữ, đơn vị công đoàn của các công ty, doanh nghiệp mời đến dạy cho người lao động, những người có nhu cầu học cách chế biến các món ăn làm từ xôi. Nhưng nay ở Phú Thượng, các bạn trẻ lớp con cháu chúng tôi cũng đã nhiều người mở lớp dạy làm xôi online. Tự hào lắm, đây là cách chúng tôi giữ lửa làng nghề. Hi vọng sau này, xôi Phú Thượng luôn được các thế hệ giữ gìn, lan tỏa đi xa, không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế".

Trải qua bao thăng trầm, đến ngày hôm nay, diện mạo làng xôi Phú Thượng đã thay đổi nhiều, từ một làng quê nghèo, được bao bọc bởi đê sông Hồng, thì nay đường sá Phú Thượng đã khang trang, làng xưa giờ đã lên phường, trở thành phố thị sầm uất, nhiều làn xe chạy; đời sống của người dân nơi đây ngày càng sung túc, giàu mạnh. Có được sự phát triển đó không thể không nói đến sự đóng góp của nghề nấu xôi. Nghề nấu xôi không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình, và đó cũng là một nghề đáng tự hào khi giờ đây, xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tâm sự với phóng viên, nhiều người dân nơi đây bày tỏ: để nghề xôi Phú Thượng tiếp tục phát huy giá trị nghề truyền thống, mong rằng cơ quan chức năng có những quan tâm, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ hình ảnh xôi Phú Thượng để tránh sự nhầm lẫn với các loại xôi khác ngoài thị trường.

Thanh Bình

Theo báo Daibieunhandan.vn

  Hà nội xanh

  Hà Nội sạch

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh