Truy cập nội dung luôn

  HÀ NỘI ĐẸP

Phát triển kinh tế- xã hội huyện Thanh Oai: sức bật từ quy hoạch vùng huyện
28/06/2024 | 10:38 AM

Theo định hướng, huyện Thanh Oai là vành đai xanh và trở thành một quận sinh thái của Hà Nội vào năm 2028. Để đạt được mục tiêu, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, huyện đã và đang triển khai các quy hoạch với tính chất mở nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương.

Theo định hướng, huyện Thanh Oai là vành đai xanh và trở thành một quận sinh thái của Hà Nội vào năm 2028. Để đạt được mục tiêu, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, huyện đã và đang triển khai các quy hoạch với tính chất mở nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương.

Đường trục phát triển phía Nam đi qua địa phận huyện Thanh Oai. Ảnh: Ánh Ngọc

Quy hoạch luôn đi trước

Huyện Thanh Oai xác định công tác quy hoạch luôn phải đi trước, từ đó có những kế hoạch cụ thể, phù hợp, sát với mục tiêu, điều kiện phát triển, gắn với thế mạnh của từng địa phương.

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai Nguyễn Ngọc Minh cho biết, trong những năm qua, Thanh Oai luôn chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng theo quy định. Từ Quy hoạch chung của TP Hà Nội, huyện đã nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch TP. Đặc biệt, trên cơ sở quy hoạch chung, huyện đã tổ chức lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, huyện tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thanh Oai.

Cùng với đó, huyện đã thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp, quy hoạch các xã, trụ sở đơn vị, cơ quan…; mở rộng tuyến Quốc lộ 21B trên địa bàn huyện; tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng các tuyến đường, xây dựng kế hoạch duy tu một số tuyến đường do huyện quản lý.

Đồng thời, huyện mở rộng các tuyến đường giao thông trục dọc và trục ngang kết nối trong huyện và địa bàn lân cận, nhằm khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường. Tính từ năm 2022 đến nay, huyện Thanh Oai đã khởi công nhiều tuyến đường mới và cải tạo sửa chữa gần 49km đường, tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông của huyện Thanh Oai những năm qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận định: huyện Thanh Oai có nhiều điều kiện để phát triển, song sự chuyển dịch về hạ tầng giao thông còn chậm, chưa đáp ứng điều kiện phát triển hiện nay. Do đó, định hướng quy hoạch, quy hoạch, triển khai xây dựng theo quy hoạch là việc làm cấp thiết của huyện.

Gợi mở giải pháp, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, để đạt được các mục tiêu, Thanh Oai cần phát huy tối đa thế mạnh từ hạ tầng khung trong quy hoạch tổng thể và chi tiết quy hoạch; định hướng quy hoạch của Thanh Oai phải gắn với thế mạnh từng vùng, về vị trí địa lý cũng như điều kiện phát triển.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Thanh Oai định hướng phát triển đô thị xanh, sinh thái, trung tâm kinh tế phía Tây Nam Hà Nội. Để phù hợp với điều kiện phát triển mới, huyện Thanh Oai đã đề xuất cập nhật vào Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 một số quy hoạch mang tính đột phá.

Theo đó, để đáp ứng điều kiện phát triển hiện nay, huyện đã đề xuất điều chỉnh nội dung, tính chất và chức năng của vùng huyện Thanh Oai trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, Thanh Oai sẽ là vùng sinh thái, phát triển đô thị hiện đại; vùng sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp làng nghề; phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, logistics và phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Thủ đô.

Trọng tâm là huyện phát triển đô thị theo mô hình nén, tập trung ở các xã phía Bắc và Tây Bắc, hình thành những khu đô thị thông minh dọc các trục giao thông quan trọng.

Khu vực trung tâm huyện được định hướng phát triển thành khu đô thị sinh thái, với hệ thống cây xanh, hồ điều hòa rộng khắp. Trong lĩnh vực kinh tế, Thanh Oai sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và logistics hiện đại khu vực phía Nam Thủ đô.

Hệ thống các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, phát triển đồng bộ. Ngoài ra, huyện phát triển thương mại, dịch vụ, thể thao, các khu du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh.

Xây dựng đô thị xanh, sinh thái đáng sống

Thông tin thêm về nội dung quy hoạch, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng thông tin: “Đối với quy hoạch vùng huyện, chúng tôi đã thận trọng, bài bản lập quy hoạch, xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học,

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn và lãnh đạo các sở, ngành TP, đặc biệt là lấy ý kiến tham góp của các DN có nhiều hoạt động kinh nghiệm, trong lĩnh vực đô thị. Đơn cử như Ecopark, Vinhomes đã đóng góp và trực tiếp phối hợp với chúng tôi để lập quy hoạch trên địa bàn huyện với những tiêu chí quận sinh thái, đô thị xanh kiểu mẫu.

Khẳng định một trong những thế mạnh của Thanh Oai là có hệ thống giao thông kết nối, ông Bùi Văn Sáng cho biết, huyện sẽ khai thác lợi thế này để có thể bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, tận dụng lợi thế tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội qua huyện Thanh Oai có chiều dài 7,9km, huyện sẽ quy hoạch không gian ngầm kết nối trung tâm TP với tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn huyện Thanh Oai và tuyến đường trục phát triển phía Nam đi các khu du lịch tâm linh, như: chùa Hương (Hà Nội), Tam Chúc (Hà Nam), Bái Đính (Ninh Bình).

Huyện cũng quy hoạch tuyến đường kết nối xã Phương Trung - Đỗ Động thành tuyến tỉnh lộ kết nối với các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín với mặt cắt ngang khoảng 40m - 60m, 6 - 8 làn xe; tuyến giao thông kết nối Đông Tây tuyến Thanh Mai - Mỹ Hưng…

Lãnh đạo huyện Thanh Oai nhìn nhận, những quy hoạch và định hướng trên là cơ hội vàng, là bệ đỡ để huyện bứt phá trong gian tới. Với tâm thế đầu tư hạ tầng cũng nhằm phục vụ cho cả vùng phía Nam TP cùng phát triển nên các tuyến đường được Thanh Oai quy hoạch có mặt cắt từ 23 - 50m.

Song, để thực hiện mục tiêu này, huyện đang đứng trước áp lực nguồn lực tài chính, giải phóng mặt bằng, đòi hỏi phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị mới có thể thực hiện được.

Trước khối lượng công việc lớn, hàng tuần trực tiếp lãnh đạo huyện làm việc với các phòng, ban, đơn vị liên quan và các địa phương có dự án để chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Trong trường hợp có vướng mắc ở khâu chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng… thuộc thẩm quyền, huyện sẽ xem xét giải quyết và tháo gỡ ngay, rút ngắn thủ tục theo thứ tự ưu tiên cho từng lĩnh vực, từng thời điểm.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khung, từ các dự án đã triển khai, huyện Thanh Oai rút ra kinh nghiệm phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu và mỗi cá nhân.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính; đặc biệt là đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn.

Điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Thanh Oai đều căn cứ theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Theo đó, huyện đã phân ra 4 vùng quy hoạch cụ thể. Vùng 1 là trung tâm (đô thị, hành chính, dịch vụ) bao gồm thị trấn Kim Bài và một phần các xã Thanh Mai, Bình Minh, Tam Hưng… quy mô 2.100ha.

Vùng 2 phía Bắc phát triển đô thị nén (Khu đô thị phía Tây Vành đai 4, Khu đô thị Thanh Hà, KĐT Mỹ Hưng). Vùng 3 phía Tây quy hoạch phát triển du lịch sinh thái với sân golf Kim An 200ha, đầm Thượng Thanh (Thanh Cao), khu đô thị mật độ thấp cạnh kênh Yên Cốc. Vùng phía Nam phát triển công nghiệp, vùng nông nghiệp công nghệ cao, logistics.

Ánh Ngọc

Theo Kinhtedothi.vn

  Hà nội xanh

  Hà Nội sạch

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh