HÀ NỘI ĐẸP
Được “đo ni đóng giày” với kỳ vọng trở thành tuyến phố "kiểu mẫu" đầu tiên của Hà Nội. Tuy nhiên, sau 8 năm, tất cả những thay đổi trên tại phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đã biến mất.
Được “đo ni đóng giày” với kỳ vọng trở thành tuyến phố "kiểu mẫu" đầu tiên của Hà Nội. Tuy nhiên, sau 8 năm, tất cả những thay đổi trên tại phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đã biến mất.
Năm 2016, phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) được lựa chọn để xây dựng tuyến phố kiểu mẫu. Ảnh: K. H |
Năm 2016, phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) được mở rộng gấp 3 lần, trồng thêm nhiều cây xanh đô thị cũng như đồng bộ hóa biển hiệu với kỳ vọng sẽ trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội với thiết kế và quy hoạch đồng bộ. Đây như là cột mốc đầu tiên trong nỗ lực xây dựng, chỉnh trang bộ mặt đô thị của Thủ đô.
Theo đó, vào thời điểm này, cơ quan chức năng đã yêu cầu các hộ kinh doanh trên phố Lê Trọng Tấn phải lắp hệ thống bảng, biển quảng cáo theo quy chuẩn nhất định. Bên cạnh quy định chỉ được sơn hai màu xanh - đỏ thì kích thước cũng được tính toán, với chiều cao bảng biển là 1,1 mét.
Trong thời gian đầu phố kiểu mẫu này đi vào sử dụng đã tạo sự tò mò và nhận được nhiều ý kiến tích cực về tuyến phố văn minh vỉa hè rộng rãi, lòng đường thông thoáng không còn tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra. Nhiều người dân hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ra để không còn tình trạng bát nháo biển quảng cáo, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…
Sau 8 năm, con phố kiểu mẫu ngày nào đã bị đồng hóa. Biển hiệu nhếch nhác, vỉa hè lòng được bị trưng dụng tối đa. Ảnh: H. Y |
Thế nhưng, niềm vui ấy chẳng được bao lâu, chỉ sau 2 năm thì con phố kiểu mẫu này đã trở nên nhếch nhác và sau 8 năm, có nhiều người đã quên mất rằng đây từng là con phố “đồng phục” của Thủ đô Hà Nội.
Giờ đây, phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn cũng như hàng nghìn con phố khác ở Hà Nội khi mà các cửa hàng đã thay đổi màu sắc, kích thước biển quảng cáo để trở về với bộ nhận diện thương hiệu quen thuộc. Cảnh tượng lấn chiếm vỉa hè xuất hiện dọc phố. Những cột biển báo “Cấm để rác trên hè và lòng đường”, “Không lấn chiếm vỉa hè” bị các hộ kinh doanh hay người dân ngó lơ, ít người chấp hành.
Không ai còn có thể nhận ra nơi đây đã từng là một con phố kiểu mẫu, chỉn chu đến từng bảng hiệu. Ảnh: H. Y |
Không chỉ vậy, trên con phố này còn xuất hiện tình trạng tận dụng vỉa hè, gốc cây làm nơi kinh doanh, nhiều điểm người đi bộ phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Cùng với đó, nhiều công trình xây mới “mọc” lên theo kiểu “thò thụt” khiến hình ảnh tuyến phố kiểu mẫu chỉ còn là những hình ảnh nhạt nhòa trong ký ức của người dân.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh vô tư diễn ra trên con phố này. Ảnh: H. Y |
Tuyến đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) mở rộng có chiều dài hơn 1,5km, điểm đầu giao với đường Tôn Thất Tùng kéo dài, điểm cuối giao với đường phía đông sông Lừ. Ngày 7/5/2016, tuyến đường này chính thức thông xe, tổng mức đầu tư dự án gần 225 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố, do Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư.
Đây được xem là tuyến phố kiểu mẫu của Thủ đô, bởi các biển hiệu kinh doanh dọc con đường được thiết kế đồng bộ về màu sắc và kích thước. Ở phố này, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp được sử dụng mẫu biển hiệu chung do chính quyền quy định. Cụ thể, biển quảng cáo phải có chiều cao so với mặt đất 3,2m - 3,3m, màu sơn chỉ được sử dụng hai màu xanh và màu đỏ, chiều cao bảng biển hiệu là 1,1m.
Duy Linh – Hải Yến
Theo Kinhtedothi.vn
Chuyên mục
QUY HOẠCH, TRANG TRÍ ĐƯỜNG PHỐ
QUY HOẠCH, QUẢN LÝ HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG
THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ
ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
BÓC XÓA QUẢNG CÁO RAO VẶT
QUY HOẠCH, QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH NGẦM, HẠ TẦNG CƠ SỞ
THANH THẢI, SẮP XẾP CÁC ĐƯỜNG DÂY, CÁP ĐI NỔI TRÊN CÁC TUYẾN PHỐ
DANH LAM THẮNG CẢNH
liên kết website
thông tin thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |