Truy cập nội dung luôn

  HÀ NỘI ĐẸP

Hiện thực hóa mục tiêu cải tạo chung cư cũ
26/11/2024 | 11:09 PM

Từ năm 1999 đến nay, chỉ khoảng 2% trong tổng số gần 1.580 chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội được cải tạo. Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 được kỳ vọng sẽ là chính sách đặc thù để gỡ “nút thắt” trong cải tạo chung cư cũ.

Từ năm 1999 đến nay, chỉ khoảng 2% trong tổng số gần 1.580 chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội được cải tạo. Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 được kỳ vọng sẽ là ch ính sách đặc thù để gỡ “nút thắt” trong cải tạo chung cư cũ.

Nỗ lực tìm giải pháp

Hà Nội hiện có khoảng 250.000 người dân sinh sống trong 1.579 tòa nhà chung cư cũ và nhà tập thể. Trong đó, chỉ riêng các quận nội thành, có 20 khu chung cư, 69 nhóm chung cư và 209 tòa nhà chung cư cũ riêng lẻ cần được cải tạo, xây dựng lại.

Đặc biệt, có 6 khu chung cư thuộc cấp độ nguy hiểm D (cấp độ nguy hiểm nhất), buộc phải phá dỡ để tái xây dựng, như: Nhà C8 tại khu tập thể Giảng Võ, G6A khu tập thể Thành Công, nhà A khu tập thể Ngọc Khánh, khu tập thể Bộ Tư pháp, và một số khu khác.

Điều đáng lo ngại là tại những chung cư cấp D, có nguy cơ sụp đổ nhưng vẫn còn người dân sinh sống, như tại nhà C8 Giảng Võ, nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng, khu tập thể Bộ Tư pháp, nhà A Ngọc Khánh, nhà G6 phường Thành Công và nhà 148 - 150 Sơn Tây.

Chương trình phát triển nhà ở của TP Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định mục tiêu cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ, gồm các khu: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân, và 4 khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D, bao gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp (Cống Vị, Ba Đình).

Chung cư cũ tại Hà Nội

HĐND TP Hà Nội đã thông qua kế hoạch bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định và đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ trên địa bàn.

Mới nhất, ngày 23/2/2023, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Tại quyết định này, TP đặt mục tiêu triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).

Tuy vậy, đến nay đã là cuối của năm 2024, việc cải tạo chung cư cũ trên tại Hà Nội vẫn chưa thực hiện được do có nhiều vướng mắc, trong đó, khó khăn nhất là cân đối lợi ích của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch, nâng chiều cao xây dựng.

Cởi “nút thắt”, tạo diện mạo mới cho đô thị

Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô. Theo quy định của Luật, Hà Nội sẽ thực hiện cải tạo chung cư cũ theo từng khu. Với các nhà chung cư cũ nhỏ lẻ, chủ đầu tư thực hiện cải tạo được quy gom trong quá trình cải tạo, xây dựng mới.

Hà Nội cũng được trao quyền điều chỉnh chỉ tiêu, hệ số đền bù, điều chỉnh quy hoạch đã duyệt cho phù hợp. Luật quy định, như các hộ tầng một được hưởng hệ số bồi thường K= 1 đến 2 lần, các hộ tầng hai trở lên hưởng hệ số bồi thường K=1 đến 1,5 lần.

Hà Nội đa nghiên cứu xây dựng quy định về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Đặc biệt, Luật Thủ đô quy định, trường hợp không lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư thì UBND TP sẽ thu hồi đất nhà chung cư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi có từ 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất trong phạm vi dự án đồng thuận.

Số tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất lớn hơn số tiền chi cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp tục được phân chia và chi trả cho từng chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất…

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Với nhiều quy định mới có tính đột phá trong Luật Nhà ở 2023, Luật Thủ đô có tác dụng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn; cùng với quyết tâm cao của các cấp chính quyền Thủ đô, hy vọng việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được đẩy nhanh hơn, khi các chung cư cũ được “thay da đổi thịt” sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới khang trang, đẹp đẽ hơn cho “bộ mặt” Thủ đô.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Tuy nhiên, để cụ thể hóa các quy định, giúp luật đi vào cuộc sống thì cần phải có thời gian. Do đó TP cũng cần sớm có các văn bản hướng dẫn đề các điểm mới trong Luật Thủ đô sớm được thực thi.

Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng Phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Đối với việc triển khai Luật Thủ đô, TP đã giao cơ quan chủ trì nghiên cứu để ban hành các kế hoạch triển khai. Trên cơ sở đó, từ nay đến đầu năm 2025, TP thành lập các tổ công tác, tổ soạn thảo, để huy động tối đa nguồn lực về trí tuệ để đóng góp cho việc quy định chi tiết các điều khoản của Luật Thủ đô.

Khu tập thể Trung Tự (quận Đống Đa)

Cùng với Luật Thủ đô, những cơ chế chính sách trong Nghị định 69 của Chính phủ ban hành năm 2021 về cải tạo chung cư cũ cũng được kế thừa mạnh mẽ trong Luật nhà ở 2023.

Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội chủ động trong các bước lập quy hoạch, lựa chọn phương thức đầu tư giúp cho quá trình cả tạo chung cư cũ đem lại hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.

Gia đình ông Ngô Văn Quang sinh sống tại số 507 nhà D8 Khu tập thể Trung Tự quận Đống Đa từ năm 2008. Hiện cả khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là khu vực tầng 5 nhà ông, sàn và trần nhà bị ngấm dột, bong tróc, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Luật Thủ đô và Luật Nhà được Quốc hội thông qua đem lại cho gia đình ông Quang và người dân các khu tập thể cũ một niềm vui khó tả.

“Luật Thủ đô đã thông qua với nhiều điểm mới, gỡ các nút thắt về mặt chính sách trong việc cải tạo chung cư cũ. Chúng tôi rất mong mỏi các cơ quan chức năng, các nhà đầu tư có các phương án cải tạo, để người dân chúng tôi sinh sống an toàn”, ông Quang phấn khởi kỳ vọng.

Thành Lộc

Theo Tuoitrethudo.vn

  Hà nội xanh

  Hà Nội sạch

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh