Truy cập nội dung luôn

  Hà nội xanh

Hà Nội tiếp tục nghiên cứu thay thế cây xà cừ.
09/06/2017 | 11:44 AM

Tại Hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về việc có nên trồng xà cừ trong đô thị hay không do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã cho rằng, xà cừ không phải là cây được khuyến nghị trồng thêm nhưng cũng không phải cây hạn chế phát triển.

Tại Hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về việc có nên trồng xà cừ trong đô thị hay không do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã cho rằng, xà cừ không phải là cây được khuyến nghị trồng thêm nhưng cũng không phải cây hạn chế phát triển.

Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, TP hiện có hơn 4.000 cây xà cừ, được trồng chủ yếu ở các quận nội thành. Đây là loại cây to, tỏa bóng mát nhưng lại rất dễ đổ trong mùa mưa bão nên chính quyền TP đang cân nhắc tới việc thay thế hàng xà cừ ven đường bằng loại cây khác.

Xà cừ trong các quận nội thành được trồng nhiều trên phố Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, Yên Phụ, đường Bưởi, đường Láng, đường Phạm Văn Đồng... Theo Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Xuân Hanh, hầu hết xà cừ được trồng trên các tuyến phố không được thường xuyên chăm sóc ở giai đoạn đầu nên cây phát triển tự nhiên là vươn ra chỗ sáng, có hình dáng to, bị nghiêng, cong không bảo đảm mỹ quan đô thị.

Hàng cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng sẽ bị chặt hạ phục vụ mở rộng đường vành đai 3. Ảnh: Sơn Dương
 

Ông Hanh thông tin: “Thân gỗ xà cừ thuộc nhóm 5, không có giá trị cao về kinh tế. Ngoài ra, bộ rễ xà cừ cần không gian phát triển lớn trong khi vỉa hè Hà Nội hẹp, nhà cửa nhiều, công trình ngầm ngay sát nên thiếu đất cho rễ cây phát triển dẫn đến tán cây nặng, mất cân đối, dễ đổ khi mưa bão”. Vì vậy, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất phương án di chuyển hoặc chặt hạ để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Đối với các cây có chiều cao từ 15 - 20m và đường kính lớn khoảng 50cm, chi phí chặt hạ từ 14 triệu đồng/cây, đối với những cây phải dịch chuyển dự tính chi phí khoảng hơn 25 triệu đồng/cây. Xà cừ được trồng ở Hà Nội chủ yếu từ thời Pháp, từ năm 1960 đến nay, Hà Nội không trồng mới loại cây này do xà cừ không phải là cây trồng đô thị, không có khả năng chống chịu tốt trong mùa mưa bão, giá trị kinh tế thấp.

Thống kê từ Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội, từ năm 2014 đến 2016 có 132 cây xà cừ bị đổ trong mùa mưa bão, chiếm tỷ trọng lớn lượng cây gãy đổ, gây thiệt hại với người và tài sản. Để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, đơn vị liên quan đã phải cắt các cành to, tán xòa rộng, mất cân đối, gây nguy hiểm. Vì vậy nhiều cây xà cừ không còn tán che mát, không đảm bảo cảnh quan.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm phân tích, xà cừ không phải là cây khuyến nghị trồng thêm nhưng cũng không phải cây hạn chế phát triển. Đây là loại cây rễ cây nổi, ảnh hưởng nhiều đến hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan đô thị và không gian vỉa hè.

Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, nếu thay thế cây xà cừ thì TP cần khảo sát cụ thể, phân loại rõ các cây sâu mục, già cỗi, nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần xem xét một số vị trí đặc thù để gìn giữ, bảo tồn xà cừ.

Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Văn Điển, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp cho rằng, phải có cách xử lý cho hợp lý nếu bỏ xà cừ, và phải tính toán thay bằng cây gì cho phù hợp. 

GS. TS Phạm Văn Điển đề nghị UBND TP giao một nhóm tư vấn khảo sát, điều tra, thu thập thông tin, phân nhóm, sau đó công khai xin ý kiến cộng đồng xã hội rồi mới tổ chức thực hiện…

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc thay thế cây xà cừ sẽ tiếp tục được bàn thảo. Sau đó, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ báo cáo UBND TP Hà Nội về thực trạng cây xà cừ, những ảnh hưởng của sinh hóa thổ nhưỡng, ảnh hưởng đối với đô thị... Từ đó, thành phố sẽ đưa ra giải pháp, phương án xử lý đối với cây xà cừ nhằm đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Liên quan đến việc thay thế cây xà cừ, mới đây, theo quyết định của UBND TP Hà Nội, dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long do Ban đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) làm chủ đầu tư sẽ phải chặt hạ hơn 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long để phục vụ công tác thi công.

Trong số hơn 1.300 cây xanh thuộc diện di chuyển, chặt hạ, cắt tỉa có 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4m đến 1,2m; 38 cây sấu; 65 cây hoa sữa; 11 cây phượng. Theo kế hoạch, đơn vị thi công sẽ di chuyển 158 cây, giữ lại để cắt tỉa 142 cây và chặt hạ hơn 1.000 cây. UBND TP Hà Nội yêu cầu trước 30-9 sẽ hoàn thành việc di chuyển, chặt hạ toàn bộ số cây trên.

Trước đó, năm 2015, Hà Nội đã thực hiện đề án thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố. Việc chặt hạ thay thế cây trong đề án này đã gặp phản ứng dữ dội của nhiều người dân. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng thực hiện đề án để thanh kiểm tra, kỷ luật một số cá nhân vi phạm.

Chi Linh/Công an nhân dân

  Hà Nội sạch

  Hà nội đẹp

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh