Truy cập nội dung luôn

  QUY HOẠCH, QUẢN LÝ HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG

Xã hội hóa thay thế đèn LED trong chiếu sáng đô thị. Hà nội đẹp
11/05/2017 | 3:29 PM

Đèn LED trong chiếu sáng đô thị có ưu điểm nổi bật là tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, do giá thành đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc; tỷ lệ đèn LED trên hệ thống chiếu sáng cũng rất thấp. Được biết, chủ trương của UBND TP Hà Nội là kêu gọi xã hội hóa thay thế đèn LED chiếu sáng công cộng; mà mới nhất là dự án thí điểm trên tuyến đường Thanh Niên.

Đèn LED trong chiếu sáng đô thị có ưu điểm nổi bật là tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, do giá thành đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc; tỷ lệ đèn LED trên hệ thống chiếu sáng cũng rất thấp. Được biết, chủ trương của UBND TP Hà Nội là kêu gọi xã hội hóa thay thế đèn LED chiếu sáng công cộng; mà mới nhất là dự án thí điểm trên tuyến đường Thanh Niên.
Ưu thế nhiều, khó khăn lắm!
Những năm gần đây, đèn LED đã từng bước thay thế các loại đèn truyền thống trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị. Đèn LED có những ưu điểm nổi bật như: Tiết kiệm điện năng, khả năng điều khiển tiết giảm công suất dễ dàng, màu sắc ánh sáng dễ chịu. Tại Thủ đô Hà Nội, đèn LED đã được sử dụng chiếu sáng tại tuyến phố mẫu Lê Trọng Tấn, phố Hàng Bài, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo và khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm.

Hệ thống chiếu sáng đường Thanh Niên dự kiến sẽ được thay thế bằng đèn LED tiết kiệm điện. Ảnh: Nguyễn Tuấn
 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị (Hapulico) cho biết, công nghệ đèn LED trong chiếu sáng đô thị đã khẳng định ưu thế vượt trội so với các loại nguồn sáng truyền thống, song mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên hệ thống. Tại Hà Nội, Hapulico đã lắp đặt 4.820 bộ đèn LED, chiếm tỷ lệ 3,8% trong tổng số đèn chiếu sáng do công ty quản lý.
Theo báo cáo của Hội Chiếu sáng Việt Nam, tại các đô thị trên cả nước, tỷ lệ sử dụng đèn LED đa số dưới 1%. Nguyên nhân là do tuổi thọ đèn LED được một số nhà sản xuất công bố khoảng 50.000-80.000 giờ, nhưng khi vận hành ngoài trời, chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, chỉ còn khoảng 15.000 giờ. Đặc biệt, khả năng thay thế, lắp lẫn thiết bị linh kiện giữa các nhà sản xuất khác nhau rất thấp, gây khó khăn trong quá trình vận hành, sửa chữa. 
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là giá thành của đèn LED còn cao, gấp khoảng 3 lần so với một bộ đèn truyền thống có cùng tính năng. Trong khi, giá điện chiếu sáng công cộng (CSCC) được Nhà nước trợ giá khoảng 1.671đ/kWh trước VAT. Do vậy, vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp xã hội hóa rất cao, thời gian hoàn vốn bằng nguồn tiết kiệm điện năng kéo dài.
Xã hội hóa, thống nhất quản lý hệ thống chiếu sáng
Để đạt được mục tiêu tiết giảm chi phí cho ngân sách thành phố và bảo đảm công tác CSCC, làm đẹp cho Thủ đô, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường sử dụng đèn LED trong hệ thống CSCC. Mới đây, tại cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND thành phố, sau khi nghe báo cáo của Sở Xây dựng và Công ty cổ phần Cơ điện công trình, UBND TP Hà Nội đã đồng ý chủ trương thí điểm thay thế hệ thống CSCC trên tuyến đường Thanh Niên bằng bộ đèn LED tiết kiệm điện năng theo phương thức xã hội hóa. UBND thành phố ủy quyền cho Sở Xây dựng xem xét, phê duyệt phương án đề xuất của Công ty cổ phần Cơ điện công trình, chỉ đạo, tổ chức thay thế và giám sát quá trình thực hiện theo quy định. 
Trên thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất với TP Hà Nội xin chủ trương tham gia đầu tư theo hình thức xã hội hóa thay thế công nghệ chiếu sáng cũ bằng đèn LED. Nhà đầu tư thu hồi vốn bằng nguồn tiết kiệm điện năng tiêu thụ và đều được thành phố ủng hộ về chủ trương. Tuy nhiên, do mức trợ giá điện cho CSCC thấp nên thời gian hoàn vốn bằng nguồn tiết kiệm điện kéo dài 10-15 năm, khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc.
Để việc ứng dụng đèn LED trong CSCC thực sự có hiệu quả, tại hội thảo khoa học do Hội Chiếu sáng Việt Nam tổ chức ngày 21-4, nhiều đại biểu đề xuất quan điểm như sau: Đối với các tuyến chiếu sáng được xây dựng mới cần thiết phải sử dụng ngay đèn LED. Riêng đối với việc nâng cấp cải tạo các tuyến chiếu sáng cũ bằng đèn LED nên tiến hành thay thế theo hình thức cuốn chiếu đối với các tuyến mà thiết bị chiếu sáng đã hết tuổi thọ, đồng thời tái sử dụng các linh kiện còn bảo đảm chất lượng từ các bộ đèn cũ được thay thế vào mục đích duy tu, sửa chữa lưới chiếu sáng còn lại để tiết kiệm tối đa kinh phí. Trước mắt, nên ưu tiên nâng cấp cải tạo các tuyến chiếu sáng sử dụng đèn công suất lớn (400-1.000W), các tuyến đèn có thời gian sử dụng trên 10 năm đã xuống cấp. Với xu thế đổi mới công nghệ, giá đèn LED sẽ ngày càng hạ, giá điện có xu hướng ngày càng tăng nên trong thời gian tới việc huy động nguồn vốn xã hội hóa sẽ ngày càng khả thi hơn.

Hương Ly/ Hà nội mới

  Hà nội xanh

  Hà Nội sạch

  Tin tức khác

  thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh