Bóc xóa quảng cáo rao vặt
Bị cho là "hâm, dở hơi", nhưng ông Nguyễn Văn Minh (Hà Nội) vẫn thầm lặng đi bóc, xé, khều những tờ quảng cáo, rao vặt dán trên tường, treo trên cây.
16h chiều, ông Nguyễn Văn Minh (70 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội) lại mặc bộ quần áo bạc màu, đội mũ lưỡi trai, chân đi giày vải nhanh nhẹn bước ra khỏi nhà. Như đã quen với "thời gian biểu" của ông lão, người dân trong con ngõ nhỏ gật đầu chào khi thấy bóng ông ngang qua.
Ông Minh làm công việc bóc xé tờ quảng cáo trên tường với mục đích muốn thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Bình Minh.
Thoáng thấy tờ quảng cáo cho thuê phòng trọ dán ở bốt điện cạnh bến xe buýt, ông Minh buột miệng kêu "đây rồi". Tờ quảng cáo được dán chắc bốn mép bằng keo dính đặc biệt khiến ông phải lôi "đồ nghề" là chiếc dao nhỏ trong túi ra nạo bỏ những mảnh giấy bám chặt. Xong xuôi, ông gấp tờ giấy vừa bóc bỏ vào túi.
Phát hiện một tờ quảng cáo mới dán trên cột điện phía trước, ông lão lại tấp vào "làm nhiệm vụ" trong vài giây rồi tiếp tục đi thể dục. Lạ lẫm trước hành động của ông Minh, nhiều người đang đứng đợi xe buýt ngoái lại quan sát và nhìn theo cho tới khi ông đi khuất.
Gần 10 năm qua, dù nắng hay mưa, ngày nào ông Minh cũng đi bóc, xé quảng cáo rao vặt kết hợp với tập thể dục hai buổi sáng chiều. Người đàn ông cho hay chỉ trừ những hôm mưa to, còn lại không ngày nào ông bỏ cuộc.
Buổi sáng, ông đạp xe 2 tiếng từ 9h đến 11h dọc xuống chợ Phùng Khoan (quận Thanh Xuân) sau đó theo đường Lê Văn Lương ra đường Láng để trở về nhà ở phường Thanh Xuân Trung. Hành trình buổi sáng chủ yếu là để ông quan sát xem hôm nay lượng quảng cáo dán nhiều hay ít, cao hay thấp, dán thế nào. Nếu có thể khắc phục được, ông sẽ bóc luôn. Còn không ông để đến chiều mang theo dụng cụ chuyên dụng giải quyết. Chiều, "ca" làm việc kết hợp đi bộ thể dục của ông bắt đầu từ 16h và kết thúc vào 18h tối dọc theo đường Khuất Duy Tiến rồi ngược lên Ngã Tư Sở trước khi quay về nhà.
Trong ký ức của người đàn ông gốc Hà Nội ấy, Hà Nội ngày xưa "thanh lịch, nhẹ nhàng và thiên nhiên" chứ không ồn ào, ô nhiễm như bây giờ. Đặc biệt, thời ông, dọc những con đường, tuyến phố ở Hà Nội không hề thấy bóng dáng của quảng cáo, rao vặt.
Thoáng chút xót xa, ông lão trầm ngâm tâm sự: "Hà Nội bây giờ khác quá nhiều. Ngày đó làm gì có những hình thức quảng cáo tinh vi và đa dạng như hiện nay. Thời tiết cũng đẹp và yên tĩnh lắm. Giờ thì dân số quá lớn sinh ra nhiều thứ phức tạp".
Kết hợp với đi bộ hai buổi sáng, chiều, ông lão 70 tuổi này đều đặn làm công việc bị cho là 'dở hơi'. Ảnh: Bình Minh.
Lý giải cho việc làm của mình, ông lão có hàm răng móm mém cười bảo "vì muốn thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên ngày càng xanh, sạch, đẹp". Cựu cán bộ nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ, giờ sức khỏe yếu, không làm được việc lớn nên chọn những hành động nhỏ nhưng có ích cho xã hội là "mãn nguyện rồi".
Suốt 2-3 năm đầu, ông Minh tưởng mình thất bại, không thể làm xuể khi chỉ mình ông bóc trong khi có cả trăm người dán. Nhưng ông cứ kiên trì, "dán cứ dán, mình bóc cứ bóc, hai bên thi đua xem ai thắng ai thua". 4-5 năm sau, việc làm của ông lão mang lại kết quả tích cực. Mặt phố và đường dọc các trường đại học nơi ông hay đi qua đỡ hẳn tình trạng dán quảng cáo.
"Từ Khuất Duy Tiến đến Ngã Tư Sở về đây (Thanh Xuân Trung) đỡ được từ 90 đến 95%, bây giờ chỉ lác đác thôi. Cứ dán là tôi bóc", ông Minh nói.
Ông Minh cho rằng, để có được kết quả khả quan như vậy, ngoài nhiệt tình cần phải có cả "kỹ thuật" bởi dùng tay bóc mãi cũng chán, không thể làm suốt nhiều năm được. Có trường hợp dán keo đặc biệt, không bóc được mà phải dùng dao nạo. Nhiều quảng cáo in trên vải còn được treo trên cao để tránh bị tháo, dỡ. Không chịu khuất phục, ông Minh tự chế những chiếc móc, sào dài, ngắn có gắn cả dao bên trên để gỡ cho bằng được.
Rút trong túi ngực con dao nhỏ han gỉ dài một gang tay, ông lão tự hào khoe: "Trong túi tôi lúc nào cũng có con dao này. Nó rất lợi hại, có thể bóc cái bình thường và còn nạo được tờ dán bằng loại keo đặc biệt".
Với những mảnh giấy vừa bóc, ông gập lại gọn gàng rồi cất vào túi áo, quần thay vì vứt lại "hiện trường". Ở nhà ông, số giấy ấy được chất vào bao tải tới khi nào đầy mới mang đi bán cho người thu mua giấy vụn.
Con dao 'lợi hại' này giúp ông Minh bóc gỡ, nạo những tờ quảng cáo được dán bằng loại keo đặc biệt. Ảnh: Bình Minh.
Có kinh nghiệm nhiều năm, ông Minh "bóc mẽ" các mánh khóe của người dán quảng cáo. Ông nhẩm tính, trong số tờ quảng cáo từng bóc, nhiều nhất vẫn là "cho thuê phòng trọ". Họ thường chọn thời điểm ít người chú ý như tờ mờ sáng, giữa trưa nắng chang chang hay buổi tối. Không ít lần đang đi tập thể dục, ông bắt gặp những người đi dán. Thấy vậy ông nhẹ nhàng khuyên bảo và bóc đi những tờ rao vặt làm bẩn đường phố. Nhiều năm đi bóc quảng cáo nhưng ông chưa từng gặp trường hợp nào phản ứng quá gay gắt với mình.
Thấy ông cụ ngày nào cũng đi bóc xé tờ rao vặt, lúc đầu cánh xe ôm và lao công thắc mắc liệu ông có được phường trả công cho việc đó không. Sau khi biết mục đích tốt đẹp của ông Minh, ai cũng nhiệt tình ủng hộ và niềm nở mỗi khi gặp ông lão trên đường.
"Xe ôm ở các ngã tư đều biết tôi cả. Thấy tôi, họ vẫy lại và bảo có cái mới dán. Họ cũng cảnh báo người quảng cáo, dán sẽ bị tôi bóc. Các chị quét rác cũng luôn động viên tôi về mặt tinh thần. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là được mọi người ủng hộ", ông Minh tâm sự.
Bên cạnh người ủng hộ, không ít kẻ chê ông "hâm, dở hơi, tội gì phải làm việc này, có lương hưu rồi đi chơi chứ tội gì". Thậm chí trong gia đình, không phải ai cũng đồng ý để ông đi bóc, xé quảng cáo. Sợ bố bị trả thù, con gái lớn của ông muốn bố dừng lại. Để con hiểu, ông trấn an công việc của mình nhẹ nhàng, không to tát để bị xửng cồ. Bởi vậy đến giờ trong nhà không ai ngăn cản ông nữa.
"Tôi nghĩ vừa đi tập thể dục vừa làm, có lợi cho đường phố, cho hàng xóm láng giềng. Cái khó là làm phải kiên trì. Trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến việc xây dựng khu phố xanh sạch đẹp, nếu không sẽ chẳng làm được", ông Minh giãi bày.
Ông lão từng nghĩ tới việc rủ các bạn già vừa đi thể dục vừa bóc quảng cáo cùng mình, nhưng sau đó từ bỏ ý định bởi "việc này thuộc về cái tâm của mỗi người, vận động thì không làm được". Ông cho hay, nếu vợ còn sống, bà sẽ đồng hành cùng ông trên mỗi con đường. Đang chuyện trò, ánh mắt ông lão chợt ánh lên niềm vui khi khoe một vài ông về hưu cũng đi bóc quảng cáo giống mình.
Trước khi tiếp tục đoạn đường thể dục, ông Minh không quên bày tỏ mong muốn có một bộ luật xác đáng để xóa bỏ quảng cáo rao vặt ở Hà Nội. Bước đi thoăn thoắt, ông lão vẫn để ý quan sát bên đường để kịp thời bóc những tờ giấy mới dán.
Nhắc đến ông Nguyễn Văn Minh, ông Nguyễn Văn Sỹ, tổ trưởng tổ dân phố 25, khu tập thể bóng đèn phích nước Rạng Đông (phường Thanh Xuân Trung) tỏ ra khâm phục và đánh giá cao tinh thần vì cộng đồng của người đàn ông này.
Ông Sỹ cho biết, ông Minh là một cá nhân điển hình trong việc bóc gỡ quảng cáo rao vặt làm sạch đường phố. Không chỉ đi tập thể dục, bất cứ đi đâu, thấy có tờ dán trên cột điện, ở bến xe buýt hay tường, ông lão đều sẵn sàng "xử lý". Ở khu phố cũng có nhiều cá nhân có việc làm tương tự, nhưng kiên trì suốt nhiều năm thì chỉ có mình ông Minh. |
Bình Minh/VnExpress
Chuyên mục
QUY HOẠCH, TRANG TRÍ ĐƯỜNG PHỐ
QUY HOẠCH, QUẢN LÝ HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG
THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ
ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
BÓC XÓA QUẢNG CÁO RAO VẶT
QUY HOẠCH, QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH NGẦM, HẠ TẦNG CƠ SỞ
THANH THẢI, SẮP XẾP CÁC ĐƯỜNG DÂY, CÁP ĐI NỔI TRÊN CÁC TUYẾN PHỐ
DANH LAM THẮNG CẢNH
liên kết website
thông tin thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |