HÀ NỘI ĐẸP
TTTĐ - Nếu như bạn là người say mê nghệ thuật truyền thống múa rối nước thì chắc hẳn làng rối nước Đào Thục không còn lạ địa điểm xa lạ. Tồn tại và phát triển hơn 300 năm, nơi đây đã trở thành một trong những làng rối nước có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Nơi gìn giữ giá trị tinh hoa nghệ thuật
TTTĐ - Nếu như bạn là người say mê nghệ thuật truyền thống múa rối nước thì chắc hẳn làng rối nước Đào Thục không còn lạ địa điểm xa lạ. Tồn tại và phát triển hơn 300 năm, nơi đây đã trở thành một trong những làng rối nước có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam.
Nơi gìn giữ giá trị tinh hoa nghệ thuật
Cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 25km, làng Đào Thục, huyện Đông Anh, Hà Nội là một ngôi làng cổ nằm dưới bờ đê sông Cà Lồ, nơi đây nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế với nghề truyền thống múa rối nước.
Rối nước ở Đào Thục
Theo tìm hiểu, làng nghề múa rối nước Đào Thục có từ thời Hậu Lê, nơi đây sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài ba đồng thời cũng là nơi gìn giữ giá trị tinh hoa nghệ thuật rối nước truyền thống.
Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo, mang tính sáng tạo đặc trưng của người dân Việt Nam. Không giống múa rối thông thường, múa rối nước dùng mặt nước làm sân khấu.
Thông qua việc sử dụng những con rối được thủ công chế tác, dưới sự điều khiển khéo léo của các nghệ nhân qua hệ thống sào, dây nghệ thuật múa rối nước đã truyền tải cũng như gìn giữ những giá trị văn hoá, tín ngưỡng, lịch sử của dân tộc.
Điều đặc biệt phải nói rằng làng rối nước Đào Thục có những con người chịu khổ rất giỏi bởi để biểu diễn được bộ môn này thì người biểu diễn phải thực hiện ở dưới mặt nước lạnh lẽo. Người biểu diễn ở đây cũng không hẳn là nghệ sĩ mà họ có thể là những người nông dân, thợ thủ công vô cùng bình dị.
Hầu hết những người này đều giàu kinh nghiệm trong nghề. Do đó họ có thể điều khiển con rối vô cùng tinh tế kết hợp nhịp nhàng, ăn ý với những người biểu diễn ca nhạc.
Nghệ thuật biểu diễn rối nước Đào Thục có hơn 20 tích trò, là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng gắn liền với đời sống của người nông dân như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá, các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa hay diễn lại những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh,… Cùng với thời gian, các nghệ nhân không ngừng sáng tạo những câu chuyện mới mẻ, đặc sắc, gần gũi với đời sống hiện đại nhưng vẫn thấm đẫm hồn dân tộc.
Theo các nghệ nhân của phường múa rối nước Đào Thục, biểu diễn con rối ở dưới nước đòi hỏi kỹ thuật khó và công phu hơn so với biểu diễn rối trên cạn. Các nghệ nhân lấy mặt nước làm sân khấu. Họ đứng đằng sau tấm màn biểu diễn rồi thỏa sức sáng tạo, thổi hồn vào những con rối ngộ nghĩnh, đáng yêu qua từng động tác hết sức điêu luyện.
Để có những màn biểu diễn thành công, nghệ nhân phải kết hợp kỹ năng di chuyển thân hình và các bộ phận, hành động làm kịch của con rối một cách uyển chuyển. Cùng với đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa người điều khiển rối với diễn viên hát, nhạc công tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn.
Nghệ nhân biểu diễn rối nước ở Đào Thục
Theo ông Nguyễn Văn Phi, một nghệ nhân tạo hình con rối nước tại phường rối Đào Thục cho biết: "Một con rối nước khi chế tác thì điều đầu tiên là người nghệ nhân phải thực sự khéo léo, tinh tế và tỉ mỉ trong từng công đoạn tạo hình và phải thể hiện được cái hồn trên từng tác phẩm rối nước. Bởi, mỗi con rối là một khối vật thể sống, khối cử động được, và mỗi con rối đại diện cho một số phận, một con người có thật trong lịch sử...".
Nói về nguyên liệu để chế tác ra một con rối nước, ông Nguyễn Văn Phi cho biết: "Gỗ sung là nguyên liệu chính dùng để tạo nên con rối nước. Ngoài mang ý nghĩa thể hiện sự sung túc, sung mãnh, thì gỗ sung còn đảm bảo được chất lượng mỗi sản phẩm. Đặc biệt, chất gỗ sung thường nhẹ, thẩm thấu hạn chế vì con rối nước biểu diễn hoàn toàn dưới nước và giảm được sự nứt vỡ..."
Tiếp nối và phát triển
Làng rối nước Đào Thục cách đây 20 năm tưởng chừng như bị xóa sổ. Các nghệ nhân đã phải tìm hướng đi mới để duy trì và bảo tồn phát triển nghề rối tại đây. Một hướng đi mới thành công chính là chủ động động, sáng tạo trong việc tiếp cận thị trường. Đổi mới việc tổ chức biểu diễn nhằm phục vụ khách du lịch, quảng bá du lịch thay thế cách biểu diễn trước mỗi năm chỉ một lần.
Du khách trong và ngoài nước háo hức xem biểu diễn rối nước
Nghệ nhân của phường múa rối nước Đào Thục phần lớn làm nghề nông. Công việc đồng ánh bận rộn, vất vả nhưng họ vẫn giữ niềm đam mê với nghệ thuật độc đáo mà cha ông để lại, cùng nhau gìn giữ, phát triển, lan tỏa đến cộng đồng.
Trung bình 1 tháng trước dịch, phường biểu diễn khoảng hơn chục ca diễn. Sau dịch, khán giả đến xem ít hơn, mỗi tháng có khoảng 6 ca. Bên cạnh việc biểu diễn cho khán giả đến xem ở đình làng, các nghệ nhân của phường múa rối còn đi diễn lưu động dịp hội hè hay tại các trường học. Chỉ cần khán giả có nhu cầu, các nghệ nhân múa rối nước Đào Thục sẵn sàng lên đường phục vụ.
Hiện tại phường múa rối nước Đào Thục đang đứng trước nhiều thử thách. Trong đó có việc thế hệ trẻ của làng nghề không mấy mặn mà với múa rối. Bên cạnh đó, ngoài biểu diễn nghệ thuật, các nghệ nhân còn làm nhiều nghề mưu sinh nên khó theo đuổi nghề thường xuyên. Kinh phí hoạt động, hỗ trợ các nghệ nhân, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất (làm mới, sửa chữa, tôn tạo con rối bị khấu hao…) còn hạn hẹp.
Hằng năm, phường rối đều mở các lớp dạy nghề, truyền lại nghề tổ cho các lớp trẻ, mỗi lớp đào tạo sẽ có khoảng 16 - 20 người. Sau khi học xong, các học viên phải đi biểu diễn 2 năm mới được công nhận là nghệ sĩ biểu diễn múa rối nước chân chính. Tuy nhiên, hai năm dịch COVID-19 cũng làm công việc này bị ảnh hưởng tương đối.
Hiện nay, ngoài hoạt động biểu diễn phục vụ du khách, các nghệ nhân phường rối nước Đào Thục còn tổ chức nhiều dịch vụ du lịch phụ trợ thu hút nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế tới thưởng thức.
Nhờ đó, Đào Thục giờ đây không chỉ là làng múa rối nước truyền thống mà còn là làng du lịch. Đào Thục là địa phương đầu tiên trong các làng rối của Hà Nội được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục từng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ tinh thần đam mê, nỗ lực giữ nghề và sáng tạo nội dung, các nghệ nhân nơi đây đã tạo nên sức sống mới cho làng nghề hơn 300 năm tuổi này.
Chi Chi
Theo báo tuoitrethudo.com.vn
Chuyên mục
QUY HOẠCH, TRANG TRÍ ĐƯỜNG PHỐ
QUY HOẠCH, QUẢN LÝ HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG
THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ
ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
BÓC XÓA QUẢNG CÁO RAO VẶT
QUY HOẠCH, QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH NGẦM, HẠ TẦNG CƠ SỞ
THANH THẢI, SẮP XẾP CÁC ĐƯỜNG DÂY, CÁP ĐI NỔI TRÊN CÁC TUYẾN PHỐ
DANH LAM THẮNG CẢNH
liên kết website
thông tin thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh | |