TIN TỨC KHÁC
(HNM) - Từ vùng chiêm trũng chuyên thâm canh cây lúa, nhiều xã của huyện Ứng Hòa ngày càng thay đổi nhờ chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Điển hình trong số đó là mô hình trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ ở xã Sơn Công đang mở hướng đi mới cho nhiều nông hộ.
(HNM) - Từ vùng chiêm trũng chuyên thâm canh cây lúa, nhiều xã của huyện Ứng Hòa ngày càng thay đổi nhờ chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Điển hình trong số đó là mô hình trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ ở xã Sơn Công đang mở hướng đi mới cho nhiều nông hộ.
Mô hình trồng măng tây hiệu quả tại xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa).
Anh Vũ Văn Mạnh, hội viên Hội Nông dân xã Sơn Công chia sẻ, trước đây, gia đình anh trồng các loại rau màu trên đất bãi, hiệu quả kinh tế thấp do tập quán canh tác lạc hậu. Không chịu cảnh nghèo, năm 2018, anh mày mò tới các địa phương tìm hiểu cách thức canh tác một số loại cây trồng. Sau khi tham quan mô hình trồng măng tây xanh tại huyện Đan Phượng, nhận thấy đây là cây trồng một lần có thể cho thu hoạch trong 10 năm, đạt hiệu quả kinh tế, anh quyết định đầu tư xây dựng mô hình trồng măng tây xanh trên đồng đất quê hương.
Ban đầu, vừa tìm hiểu, vừa thực hành, anh Mạnh trồng 0,4ha măng tây với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Công ty Nông sản toàn cầu. Sau một năm, măng tây cho năng suất tốt, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Trên cơ sở đó, anh Mạnh mạnh dạn đề xuất và được chính quyền địa phương chấp thuận việc mở rộng diện tích sản xuất, chuyển đổi cây trồng. Cuối năm 2019, anh vay vốn ngân hàng đầu tư trồng thêm 1ha măng tây theo hướng hữu cơ. Đến nay, cây măng tây của gia đình anh Mạnh cho thu hoạch bình quân 60-80kg/ngày. Với 1,4ha măng tây, anh Mạnh ước tính lợi nhuận đạt 1,5 tỷ đồng/năm. Năm 2022 này, anh dự định thầu thêm khoảng 1ha đất bãi để mở rộng diện tích trồng măng tây xanh...
Giám đốc Hợp tác xã nông sản an toàn Sơn Công Vũ Văn Biên (một trong những hộ đi đầu cùng anh Mạnh đưa cây măng tây vào đồng đất Sơn Công) chia sẻ, từ khi trồng đến lúc thu hoạch lứa đầu phải cần 6-7 tháng; đến năm thứ hai, măng tây mới cho thu hoạch liên tục. Vốn là cây cần chăm sóc công phu, trồng theo hướng hữu cơ, không hóa chất nên măng tây xanh đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt và thường xuyên cắt tỉa cành lá già, dọn cỏ. Đặc biệt, cần xử lý đất tốt trước khi trồng, chăm sóc bón phân đúng kỹ thuật thì mới hạn chế được sâu bệnh hại. Hiện, nông dân Sơn Công dùng phân hữu cơ làm từ xương cá, đậu nành, chuối… trộn với nhau, ủ lên men rồi pha loãng tưới cho cây. Khi phát hiện sâu bệnh hại, nông dân sử dụng thuốc sâu sinh học tự chế từ tỏi, ớt ngâm hoặc các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc. Ngoài việc chăm sóc thì với măng tây, giống cũng là yếu tố quyết định, cần chọn mua giống tại cơ sở uy tín để bảo đảm không ra hoa, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm...
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Công Vũ Đức Hiệp, đến nay, qua vài năm "bén duyên" trên đồng đất Sơn Công, nhiều hộ dân đã tin tưởng đưa măng tây vào canh tác. Những người tiên phong như anh Mạnh cùng Hội Nông dân xã, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn xã Sơn Công đã nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn bà con mạnh dạn đưa giống măng tây xanh vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế hộ, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, thay đổi tập quán, thói quen canh tác của nông dân. Sản phẩm măng tây xanh ở Sơn Công đang được lãnh đạo địa phương cùng các đơn vị chuyên môn hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.
Thực tế cho thấy, mô hình trồng cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ là một mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện nguồn lao động của xã Sơn Công. Mô hình này nếu được nhân rộng sẽ là hướng đi đúng đắn, giúp cho nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới ở Ứng Hòa nói riêng và các địa phương khác của Hà Nội nói chung.
Bạch Thanh/ Hà Nội Mới