TIN TỨC KHÁC
TP. Hà Nội đã đưa ra nhiệm vụ trọng tâm về cải thiện về xếp hạng môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Thành phố, phấn đấu đến năm 2020 có trong 10 nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về môi trường đầu tư.
TP. Hà Nội đã đưa ra nhiệm vụ trọng tâm về cải thiện về xếp hạng môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Thành phố, phấn đấu đến năm 2020 có trong 10 nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về môi trường đầu tư.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Gia Huy |
Sáng 27/6, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khoá XVI lấy ý kiến về một số chương trình công tác trọng tâm giai đoạn 2016 – 2020.
Liên quan đến Chương trình 03 về: "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016 – 2020", ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu chương trình là nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.
Thành phố đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tích cực, chủ động hội nhập kinh tế, quốc tế, tận dụng tốt các cơ hội, giảm thiểu rủi ro trong quá trình hội nhập.
Giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân từ 8,5 – 9%. Trong đó, dịch vụ 7,8% - 8,3%; công nghiệp, xây dựng 10 – 10,5%; nông nghiệp 3,5 – 4%. GRDP bình quân đầu người từ 140 – 145 triệu đồng (khoảng 6.700 – 6.800 USD).
Trong nhiệm vụ cải thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Thành phố sẽ cải thiện toàn bộ các yếu tố căn bản tác động đến môi trường kinh doanh; tạo môi trường hấp dẫn, thân thiện, thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn thành công và lâu dài;…
Đồng thời, công khai, minh bạch toàn bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tăng cường tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đến 2020, Hà Nội phấn đấu rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh, nâng tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng lên trên 50%; thời gian đăng ký kinh doanh tối đa 2 ngày; thời gian tiếp cận điện năng còn dưới 26 ngày.
Đến năm 2020, Hà Nội bỏ hình thức thu tiền điện trực tiếp tại nhà hoặc trụ sở; thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội còn dưới 155 giờ/năm; tỷ lệ khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 95%; tỷ lệ người hài lòng với các dịch vụ cơ quan thuế cung cấp 80%. Cắt giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư.
Cải cách hành chính từ khâu cán bộ
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá, Chương trình 03 là chương trình lớn, tích hợp nhiều nội dung về phát triển kinh tế của Thủ đô, có nhiều vấn đề mới phù hợp với xu thế phát triển Thủ đô trong bối cảnh phát triển chung của khu vực và thế giới.
Bí thư quận uỷ Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi đề nghị chương trình rõ ràng hơn về nội dung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, cải cách TTHC thì mấu chốt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Hoàng Công Khôi cũng đề nghị Thành phố cần đặc biệt quan tâm đến cơ chế chính sách về đất đai để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào khu vực ngoại thành nhằm giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Trong việc sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Thành phố bổ sung, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công. Thành phố tiếp tục lựa chọn một số lĩnh vực kinh tế và sản phẩm mũi nhọn để có lợi thế cạnh tranh, xây dựng dịch vụ chất lượng cao của Thủ đô.
Về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, ông Vũ Văn Viện cho rằng, tình trạng đất hoàng hoá nông nghiệp tại các huyện ngoại thành còn rất nhiều, một số địa phương bỏ hoang đất, nhiều khu vực sau thu hồi người nông dân không còn sử dụng trồng trọt còn nhà đầu tư được cấp đất thì để hoang. Vì vậy Thành phố cần chế tài để xử lý nghiêm vấn đề này.
Ông Hoàng Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, chương trình chưa có chế tài cụ thể để xử lý cán bộ nhũng nhiễu. Ông Hải đề xuất cần sửa đổi cơ chế chính sách với cán bộ, đặc biệt liên quan đến kiểm tra, đánh giá, đào tạo lại và cơ chế tiền lương.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, liên quan đến doanh nghiệp cổ phần hoá, Ban Cán sự Đảng Thành phố đã họp và xây dựng kế hoạch Cổ phần hoá doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, với doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ cổ phần hoá 100%, Thành phố chỉ nắm giữ một số lĩnh vực then chốt.
Về mục tiêu trong 5 năm tới, Hà Nội nằm trong top 10 địa phương về môi trường đầu tư, kinh doanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết liên quan đến tất cả các tiêu chí đã đặt ra, gắn với trách nhiệm của Giám đốc, lãnh đạo các Sở, ban, ngành.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, đây là mục tiêu Thành phố quyết tâm thực hiện và hoàn toàn có thể phấn đấu đạt được.
Gia Huy/Báo điện tử Chính phủ